Thời khắc cuối của ông Hosni Mubarak

12/02/2011 16:46 GMT+7

(TNO) Sự thách thức của ông Hosni Mubarak trong những giờ phút cuối cùng ở Cairo làm bất ngờ nước Mỹ và đẩy Ai Cập đến bên bờ vực hỗn loạn. >> Tổng thống Ai Cập Mubarak từ chức

Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã "vùng vẫy" một cách tuyệt vọng để giữ lại chiếc ghế tổng thống trong hai ngày qua. Song rốt cuộc những nỗ lực của nhà lãnh đạo 82 tuổi chỉ bảo đảm một điều rằng ông phải ra đi một cách gấp rút và trong ô nhục.


 Ông Hosni Mubarak (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2009 - Ảnh: Reuters

Trong tuần biểu tình thứ ba ở Ai Cập, liên lạc giữa giới chức hàng đầu của Mỹ và Ai Cập không còn đều đặn sau khi cấp dưới của ông Hosni Mubarak công khai chỉ trích Mỹ can thiệp vào hoạt động của Cairo.

Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, tình báo Mỹ bắt đầu nắm được chi tiết về một kế hoạch của các lãnh đạo quân đội Ai Cập nhằm hất cẳng ông Mubarak. Kế hoạch này nằm khoảng giữa việc điều đình ra đi và một cuộc đảo chính “mềm” để tước bỏ hầu hết, nếu không phải là tất cả, quyền lực của ông Mubarak.

Kế hoạch được thực thi vào thứ năm, 10.2, khi có thông báo các yêu sách chính của người biểu tình sẽ được đáp ứng. Một cuộc họp hiếm hoi của Hội đồng Tối cao Quân đội được triệu tập và sau đó phát ngôn viên của quân đội đưa ra một thông cáo ngụ ý họ đang kiểm soát chính quyền. Thông cáo số 1 nhấn mạnh “trách nhiệm của quân đội và lòng tận trung trước nhiệm vụ bảo vệ nhân dân và tổ quốc”.

Thông cáo làm vang dậy tiếng hoan hô giữa hàng trăm ngàn người biểu tình tụ tập tại Quảng trường Tahrir ở Cairo vốn đang chờ đợi một thông báo từ chức của ông Mubarak.

Vài giờ sau, tại Washington, Giám đốc CIA Leon Panetta xuất hiện trước Ủy ban Tình báo Hạ viện. Khi được hỏi về Ai Cập, ông Panetta nói rằng “có rất nhiều khả năng ông Mubarak sẽ ra đi vào tối nay”. 

Tổng thống Obama khi đó đang đi công cán tại bang Michigan. Ngay trước 14 giờ, giờ Washington, ông Obama bước lên diễn đàn Đại học Bắc Michigan tiết lộ việc chuyển giao quyền lực ở Ai Cập sẽ diễn ra trong ít phút nữa. “Chúng ta đang chứng kiến một thời khắc lịch sử”, ông Obama sôi nổi nói. Diễn văn đó gia tăng trông đợi về một phát biểu của Tổng thống Ai Cập sẽ được đưa ra 2 giờ sau đó.

Vào 22 giờ tối ở Cairo và 16 giờ chiều ở Washington, ông Mubarak xuất hiện trên truyền hình trong khi ông Obama đang trở về Washington. Trên chiếc Không lực Một, ông Obama và tùy tùng từ thất vọng chuyển sang nổi giận khi ông Mubarak chỉ trích sự can thiệp của phương Tây và đưa ra một danh sách lời hứa cho những tháng sắp tới.

Mặc dù có đề cập đến việc chuyển giao “một vài quyền lực” cho Phó tổng thống Omar Suleiman, giọng của ông Mubarak có vẻ thách thức và không nói gì đến việc từ chức.

Các quan chức Mỹ và chuyên gia về Trung Đông đánh giá bài diễn văn của ông Mubarak là một sai lầm to lớn. “Đó là một thảm họa về quan hệ công chúng”, cựu Đại sứ Mỹ tại Ai Cập Daniel Kurtzer nói với tờ Washington Post.

Bài phát biểu làm nổi dậy những tiếng la hét tại Quảng trưởng Tahrir và hàng nghìn người bắt đầu tuần hành đến Dinh tổng thống và trụ sở Đài truyền hình quốc gia. Giọng nói thách thức của ông Mubarak mang lại cảm giác ông từ chối tán thành những trông đợi tại Washington về việc sẽ ra đi, Scott Carpenter, chuyên gia của Viện Chính sách Cận Đông ở Washington đánh giá.

Carpenter nói: “Ông ấy đã đi sai kịch bản. Vấn đề không phải là ông ấy nói quá nhiều mà là cách ông ấy nói. Về cơ bản, ông ấy đã đồng ý nói tất cả những gì quân đội muốn song không thể nói theo cách mà mọi người đòi hỏi”.

Sau khi hạ cánh xuống Washington, ông Obama tập hợp đội ngũ an ninh quốc gia trong Phòng Bầu dục để thảo luận phản ứng. Ông ngồi xuống và bắt đầu chọn lọc ngôn từ thể hiện rõ ràng rằng Nhà Trắng đứng về phía những người biểu tình. Bản thảo cuối cùng bắt đầu với câu: “Nhân dân Ai Cập được nghe rằng sẽ có chuyển giao quyền lực song không rõ việc chuyển giao có diễn ra tức khắc, có ý nghĩa và đầy đủ hay không”.

Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ có mặt tại Phòng Bầu dục lúc đó nói: “Điều đó hiển nhiên đã đưa chúng tôi đứng chung hàng ngũ với những người ở Quảng trường Tahrir”.

Đó là thay đổi quan trọng về thái độ của Mỹ. Trước đó, bất đồng đã xảy ra trong Nhà Trắng giữa những người muốn ủng hộ sự thay đổi dân chủ ở Ai Cập và những người lo ngại làm thế sẽ khiến họ mất đi một mối quan hệ đồng minh quan trọng.


 Phó tổng thống Omar Suleiman thông báo trên truyền hình việc ông Mubarak từ chức - Ảnh: Reuters

Cùng lúc đó, thay đổi cũng diễn ra tại Cairo. Vài giờ sau bài phát biểu của ông Mubarak, “sự ủng hộ ông Mubarak từ quân đội rớt xuống thẳng đứng”, theo một quan chức Chính phủ Mỹ vốn theo sát sự kiện.

“Với một thông báo có giọng điệu thích hợp, quân đội vui lòng chờ đợi xem điều gì sẽ diễn ra. Họ không thích những gì họ nhìn thấy”, quan chức Mỹ nói.

Thậm chí cả ông Suleiman cũng gia nhập hàng ngũ với các lãnh đạo quân đội vào tối thứ năm. “Suleiman đã cố gắng cân bằng giữa việc giữ lại sự ủng hộ với ông Mubarak và ngả về phía quân đội. Song vào cuối ngày, tình thế đó rõ ràng không thể trụ nổi”, quan chức đó nói tiếp.

Sáng 11.2, quân đội đưa ra tối hậu thư với ông Mubarak: tự nguyện từ chức hoặc bị cưỡng bức.

Vào buổi chiều, ông Mubarak được thông báo đã rời Cairo đến thành phố nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh bên bờ biển Đỏ. Suleiman là người đứng ra thông báo việc chuyển giao quyền lực vào tay quân đội.

Vào đúng 18 giờ chiều, giờ Cairo, Phó tổng thống Ai Cập xuất hiện trên truyền hình quốc gia, tuyên bố chấm dứt ba thập niên cầm quyền của ông Mubarak.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.