Tiểu NATO trên biển châu Á

04/03/2016 13:02 GMT+7

Nhằm đối phó tham vọng của Trung Quốc, Lầu Năm Góc đề nghị khôi phục liên minh chiến lược không chính thức gồm 4 lực lượng hải quân tại châu Á - Thái Bình Dương.

Nhằm đối phó tham vọng của Trung Quốc, Lầu Năm Góc đề nghị khôi phục liên minh chiến lược không chính thức gồm 4 lực lượng hải quân tại châu Á - Thái Bình Dương.

Tàu chiến Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tham gia tập trận chung vào cuối năm 2015 - Ảnh: US NavyTàu chiến Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tham gia tập trận chung vào cuối năm 2015 - Ảnh: US Navy
Trong chuyến thăm Ấn Độ vào ngày 2.3, Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đã đưa ra một đề xuất có thể khiến Trung Quốc đặc biệt quan ngại: Làm sống lại ý tưởng về một liên minh chiến lược được cấu thành từ các lực lượng hải quân Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ, theo tờ The New York Times.
Liên minh kim cương
Ý tưởng về một liên minh tứ giác ở châu Á - Thái Bình Dương, còn gọi là liên minh kim cương, vốn được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra vào năm 2007 trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, dưới hình thức Đối thoại an ninh bốn bên. Ngay từ lúc đó, liên minh không chính thức này đã bị Bắc Kinh xem là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Do vậy, ngay cả khi cuộc đối thoại đầu tiên chưa diễn ra, Trung Quốc đã gửi công hàm chính thức đến từng nước để phản đối.
Sự chống đối quyết liệt của Bắc Kinh kết hợp với sự mơ hồ trong chính sách đối ngoại của Úc thời bấy giờ đã khiến liên minh được mệnh danh là “Tiểu NATO” nói trên “chết yểu” sau đó chưa đầy 2 năm, khi Canberra rút lui khỏi cấu trúc bốn bên.
Tuy nhiên, Mỹ hiện cho rằng đã đến lúc chín muồi để làm sống lại ý tưởng trên, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động mở rộng ảnh hưởng trên biển. Đây cũng là đề xuất mới nhất của Mỹ đối với Ấn Độ, quốc gia luôn hết sức thận trọng trước các đề nghị thành lập liên minh, và rõ ràng lần này Washington tỏ ý kiên trì thuyết phục New Delhi gia nhập một mạng lưới các lực lượng hải quân có thể bảo đảm an ninh biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi bắt đầu nhiệm kỳ mới, Ấn Độ đã tăng cường hoạt động hợp tác hải quân với Mỹ. Chính quyền New Delhi đã phản ứng đầy giận dữ vào năm 2014 khi một tàu ngầm Trung Quốc cập cảng Colombo ở quốc gia láng giềng Sri Lanka, và quan sát một cách đầy lo lắng quá trình Bắc Kinh triển khai một trong những chiến lược ưu tiên vào thời Chủ tịch Tập Cận Bình: thành lập “con đường tơ lụa” trên biển nối kết nhiều cảng chính tại Gwadar (Pakistan) và Chittagong (Bangladesh).
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Ấn Độ vào năm ngoái, hai nước đã đưa ra tuyên bố chung về tầm nhìn chiến lược cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, một điều mà Ấn Độ từng khước từ trong quá khứ. Theo những tiết lộ mới nhất, Mỹ cũng đang tiến gần đến việc thiết lập thỏa thuận hậu cần cho phép quân đội Ấn - Mỹ dễ dàng sử dụng các nguồn lực của nhau, như căn cứ các loại, cho mục đích tiếp liệu và sửa chữa.
Sự dè dặt của Ấn Độ
Dù không nêu tên đích danh Trung Quốc trong sự kiện ngày 2.3 tại New Delhi, Đô đốc Harris cho rằng hiện có một số cường quốc đang tìm cách “bắt nạt những quốc gia nhỏ hơn thông qua các hành động dọa dẫm và ép buộc”. Vì thế, biện pháp tốt nhất để đối phó tình hình này là thiết lập liên minh hải quân trên diện rộng. “Tập trận chung sẽ dẫn đến viễn cảnh phối hợp hoạt động chung”, Đô đốc Harris trình bày tại diễn đàn mang tên Đối thoại Raisina.
Mặc dù quan hệ an ninh giữa Mỹ và Ấn Độ ngày càng trở nên gắn bó, nhưng lời kêu gọi khôi phục Đối thoại an ninh bốn bên của Đô đốc Harris vẫn khiến giới quan sát ngạc nhiên. Bởi thậm chí cho đến nay, New Delhi vẫn chần chừ trước một số đề xuất của Washington, chẳng hạn như Ấn Độ vẫn tỏ ra chưa quan tâm lắm đến đề nghị cùng triển khai các cuộc tuần tra trên biển chung với Mỹ ở Biển Đông, dù dưới danh nghĩa tuần tra chống cướp biển, theo tờ The New York Times. Mới đây, Đại sứ Mỹ tại New Delhi Richard R.Verma đã bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian không xa, các cuộc tuần tra trên biển của tàu chiến Ấn - Mỹ “sẽ trở thành cảnh tượng thường xuyên và được chào đón xuyên suốt các vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Theo chuyên gia Rory Medcalf, Hiệu trưởng Trường An ninh quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc, dưới thời Thủ tướng Modi, quân đội Ấn Độ đã mạnh dạn tham gia các khuôn khổ đối thoại an ninh song phương và ba bên với Nhật Bản và Úc. Tuy nhiên, tình hình sẽ hoàn toàn khác với sự có mặt của Mỹ, bởi Bắc Kinh sẽ xem đây là bằng chứng về nỗ lực bao vây Trung Quốc và sẽ “chĩa mũi dùi” vào New Delhi. “Điều cuối cùng mà Ấn Độ muốn làm là đột nhiên trở thành thế lực ở tuyến đầu tại Biển Đông”, theo nhà phân tích an ninh Nitin A.Gokhale.
Còn Giáo sư Thẩm Đinh Lập, chuyên gia về quan hệ đối ngoại tại Đại học Phúc Đán, bác bỏ khả năng “Tiểu NATO” có thể được khôi phục, vì Trung Quốc có thể “trả đũa” Ấn Độ bằng nhiều cách, chẳng hạn như Bắc Kinh có thể gửi tàu sân bay đến cảng Gwadar (Pakistan).
Trong khi đó, phản ứng trước lời kêu gọi của Đô đốc Harris, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua 3.3 tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng sự hợp tác của các bên liên quan sẽ mang lại lợi ích cho hòa bình và an ninh khu vực, và không gây phương hại đến lợi ích của bên thứ ba”.
Ấn - Nhật - Mỹ sẽ tập trận chung gần Trung Quốc
Hãng tin Reuters dẫn lời Đô đốc Harris cho hay 3 nước Ấn Độ - Nhật - Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận chung trong năm nay tại vùng biển ngoài khơi phía bắc Philippines, gần Đài Loan và Trung Quốc, giáp ranh Biển Đông. Tuyên bố trên được ra cách một ngày sau khi Mỹ cảnh báo Trung Quốc không nên quân sự hóa Biển Đông. Hồi năm ngoái, Ấn Độ và Mỹ đã mở rộng quy mô cuộc tập trận thường niên ở vịnh Bengal, chào đón sự gia nhập của Nhật Bản sau 8 năm vắng mặt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.