Trung Quốc bành trướng nhờ khủng hoảng

22/07/2012 03:00 GMT+7

Từ châu Phi đến châu Âu, cứ nơi nào gặp bất ổn hay khủng hoảng, Trung Quốc đều có mặt “hỗ trợ” nhằm tăng tầm ảnh hưởng.

Chỉ tay sang bến số 2 thuộc hải cảng lớn nhất Hy Lạp Piraeus (thuộc vùng đô thị Athens), Golfis Yiannis nói với nhà báo của tờ The Daily Telegraph bằng giọng trầm buồn: “Đây là Chinatown (phố Trung Hoa) mới của châu Âu. Chúng tôi đã bán linh hồn của mình cho Trung Quốc”. Yiannis, 48 tuổi, làm việc ở Piraeus đã hơn 20 năm nên hơn ai hết, anh hiểu ngành vận tải hàng hải đóng vai trò huyết mạch thế nào với Hy Lạp. Tháng 6.2010, Tập đoàn vận tải hàng hải China Ocean Shipping Company (Cosco) chi 3,3 tỉ euro để mua quyền khai thác bến số 2 trong vòng 35 năm đồng thời cam kết đầu tư 564 triệu euro để hiện đại hóa cơ sở vật chất, xây dựng bến mới và gia tăng quy mô vận tải hàng hóa của Piraeus.

 Trung Quốc bành trướng nhờ khủng hoảng 1
Băng rôn được treo ở cảng Piraeus, Hy Lạp, để phản đối Tập đoàn Cosco của Trung Quốc
- Ảnh: Culanth.org

Yiannis lo lắng quê hương của mình rồi đây sẽ đi vào đúng con đường của một số quốc gia châu Phi. Chỉ trong vòng một thập niên, từ năm 2000-2010, giao dịch thương mại giữa Bắc Kinh với lục địa đen đã tăng gấp 8 lần. Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Angola, vào các mỏ đồng ở Zambia, than ở Zimbabwe, dầu mỏ ở Sudan, Gabon, mua đất tại Uganda, Cameroon, Ethiopia, Madagascar… Nước này phần nào giải được cơn khát tài nguyên, khoáng sản và dần dần cắm rễ lên châu Phi. Ngược lại, nền kinh tế địa phương được hưởng lợi chẳng bao nhiêu lại bị đe dọa bởi ô nhiễm môi trường và nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khác. Đó là lý do dù rất hoan nghênh việc Trung Quốc tuyên bố ngày 19.7 sẽ cho châu Phi vay 20 tỉ USD nhưng cả Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma lẫn Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassa Ouattara đều cho rằng hợp tác kinh tế giữa Bắc Kinh với lục địa đen cần điều chỉnh để cân bằng hơn. Thực tế cho thấy, thặng dư thương mại với châu Phi đủ để Trung Quốc dùng để đầu tư vào tham vọng kế tiếp: mua lại các công ty châu Âu.

Lợi dụng lúc EU khốn đốn

Khủng hoảng kinh tế tại EU thực sự là cơ hội hiếm có để Trung Quốc “cắm rễ” tại châu Âu. Báo The Guardian dẫn báo cáo do Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) công bố hồi giữa năm 2011 ước tính hơn 40% số vốn đầu tư của nước này vào EU tập trung ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp và Đông Âu. Đây là những quốc gia hoặc đang chao đảo vì khủng hoảng tài chính, hoặc đang tăng trưởng chậm, chưa dứt ra khỏi ảnh hưởng do những biến động chính trị vào đầu thập niên 1990. Nhân lúc các nước châu Âu đang gặp bĩ cực vì nợ công khổng lồ và phải thắt lưng buộc bụng, Trung Quốc nhanh chóng tận dụng ưu thế có dự trữ ngoại hối dồi dào để chi đậm giành lấy các hợp đồng lớn.

Ngoài ra, các nước trên có vị trí địa chính trị là “đường biên giới” của EU nên sẽ giúp Trung Quốc “mở cửa” khối này một cách dễ dàng hơn. Vì thế, tại Hy Lạp, Tập đoàn Cosco còn nhắm đến các hải cảng Thessalonique, Kavala, Alexandroupolis chứ không chỉ Piraeus; đồng thời tập đoàn này còn bành trướng sang các ngành đường sắt, hàng không, du lịch… ở Hy Lạp. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng phát triển Chinatown tại Romania, Hungary, Ireland…

Không khó để nhận ra rằng đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này tăng rõ rệt trong giai đoạn khủng hoảng. Tờ Cotidianul dẫn số liệu của Bộ Ngoại giao Romania cho biết, tính đến cuối năm 2008, có 9.438 công ty Trung Quốc thâm nhập vào nước này và hoạt động thương mại song phương tăng 30%. Năm 2009, Trung Quốc rộng tay cho Moldova vay 680 triệu euro, Tập đoàn xây dựng lớn nhất Trung Quốc Covec trúng thầu xây dựng cầu trên sông Danube của Serbia. Covec còn vượt mặt các công ty châu Âu giành quyền xây đường cao tốc ở Ba Lan… Cũng trong giai đoạn EU khủng hoảng kinh tế, Tập đoàn Geely của Trung Quốc mua lại hãng sản xuất xe hơi Volvo (Thụy Điển) từ tay Ford. Gần đây nhất, chỉ trong năm 2011, các công ty Trung Quốc thực hiện 7 vụ sáp nhập với các công ty Đức, theo báo Financial Times Deutschland.

Cái lợi rõ ràng của Bắc Kinh khi “Tây tiến” trong giai đoạn này là về mặt kinh tế. Các công ty Trung Quốc thâu tóm nhiều tài sản “đại hạ giá” đồng thời tận dụng hệ thống hạ tầng tốt, lực lượng nhân công tay nghề cao và tiếp cận kỹ thuật tiên tiến tại châu Âu. Ngoài ra, việc đặt cơ sở sản xuất tại châu Âu còn giúp hàng hóa Trung Quốc tránh được nhiều khoản thuế nhập khẩu khi bán qua khu vực này.

Quan trọng hơn, thông qua kinh tế, Bắc Kinh có thể gây ảnh hưởng chính trị đối với châu Âu. Theo tờ The New York Times, Trung Quốc muốn tranh thủ sự ủng hộ của EU trong các chủ đề nhạy cảm như tiền tệ. Trong chuyến thăm châu Âu năm 2010, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhắc khéo: “Trung Quốc đã chứng tỏ tình bằng hữu với Hy Lạp, Tây Ban Nha và Ý. Vì thế, EU nên ngừng làm khó chúng tôi về việc định giá nhân dân tệ”.

Trái đắng cho châu Âu

Tuy nhiên, các nước châu Âu đang phải hứng chịu hệ lụy sau sự hào phóng của Trung Quốc. Thành phố Toscane của Ý trước đây vốn tự hào về sản phẩm thời trang “made in Italy” thì nay phải ngậm đắng nuốt cay khi số lượng công ty may mặc do người Ý sở hữu vào năm 2010 giảm một nửa so với 2001. Thành phố này trở thành nơi có mật độ dân nhập cư Trung Quốc cao nhất châu Âu với tỷ lệ 36.000/187.000 người.

Công nhân Trung Quốc làm việc trung bình 12 tiếng/ngày trong 3.200 công xưởng sản xuất quần áo, giày dép giá rẻ, chất lượng thấp nhưng được gắn mác sản xuất tại Ý.

Tương tự, tờ Jurnalul National của Romania hồi tháng 1 đăng bài xã luận về tình trạng mất rừng tại nước này. Năm 2010, lượng gỗ thô từ Romania xuất sang Trung Quốc tăng gấp 3 lần so với năm 2009. Còn trong năm 2011, hầu hết các container chở hàng “made in China” sang nước này khi quay về đều được chất đầy gỗ. Các công ty gỗ của Trung Quốc đang đầu tư ào ạt vào Romania khi những quy định về môi trường ở những nước khác trở nên nghiêm nhặt hơn. Không chỉ vậy, những công ty này còn can thiệp với chính quyền địa phương để được khai thác sớm, khiến rừng không kịp phát triển so với tốc độ tàn phá. Theo số liệu công bố năm 2011 của Cơ quan thống kê châu Âu, từ năm 2005 đến 2009, Romania đã mất 40% diện tích rừng.

Chi đậm ở Afghanistan

Không chỉ đầu tư vào các nước bị khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc còn quan tâm đến những nước bất ổn về chính trị, xã hội. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc không ngừng đổ tiền vào các khu mỏ ở Afghanistan bất chấp những vụ đánh bom liều chết xảy ra như cơm bữa tại nước này, theo The New York Times. Năm 2007, Tập đoàn luyện kim MCC của Trung Quốc được trao quyền khai thác một trong những mỏ đồng lớn nhất thế giới Aynak, cách thủ đô Kabul khoảng 30 km về phía đông nam. Để có được thành công này, Tập đoàn MCC đã mạnh tay chi ra 3,4 tỉ USD, cao hơn 1 tỉ USD so với các đối thủ sừng sỏ đến từ châu Âu, Canada, Mỹ, Nga. Ngoài hợp đồng nói trên, MCC còn hứa xây dựng nhà máy điện 400 megawatt để cung cấp năng lượng cho mỏ Aynak, thủ đô Kabul. Tập đoàn này còn xây dựng hệ thống đường sắt để chuyển than đá từ những mỏ than gần đó đến nhà máy điện cũng như chuyển đồng từ Afghanistan sang Trung Quốc. Giới quan sát nhận định Bắc Kinh không chỉ muốn khai khoáng mà còn muốn đặt nền móng cho ảnh hưởng lâu dài tại Afghanistan.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Chặn bành trướng trên biển
>> Tàu đổ bộ Trung Quốc xuất hiện tại Trường Sa
>> Quyền lực mềm Trung Quốc tại Thái Lan
>> Trung Quốc có thể nâng cấp vũ khí hạt nhân vì lá chắn tên lửa Mỹ
>> Nga liên tục bắt giữ tàu cá Trung Quốc
>> Nga tịch thu tàu cá Trung Quốc
>> Âm mưu “tàu cá” Trung Quốc
>> Trung Quốc hỉ hả sau Hội nghị ASEAN
>> Trung Quốc và Ấn Độ suy yếu, nhà đầu tư đổ xô đến ĐNÁ  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.