Trung Quốc phát triển UAV đe dọa tàu sân bay Mỹ

19/06/2017 08:43 GMT+7

Trung Quốc đang phát triển máy bay không người lái dùng năng lượng mặt trời có thể trở thành công cụ đe dọa tàu sân bay Mỹ ở tây Thái Bình Dương.

Theo báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc về quân sự của Trung Quốc, nước này đang cấp tập tìm kiếm hệ thống vũ khí đối phó tàu sân bay Mỹ nhằm giành giật vị thế áp đảo ở tây Thái Bình Dương, nhất là các khu vực tranh chấp. Báo cáo được đưa ra cùng thời điểm truyền thông Trung Quốc tuyên bố nước này đạt được bước tiến mới trong chương trình phát triển máy bay không người lái (UAV) Caihong-T4, loại khí tài có thể đóng vai trò then chốt cho chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD).
Giám sát hơn 1 triệu km2
Tờ China Daily dẫn các nguồn tin quân đội Trung Quốc tiết lộ UAV mới (còn gọi là CH-T4), chạy bằng năng lượng mặt trời vừa hoàn tất thành công chuyến bay thử nghiệm ở độ cao 20.000 m. Với độ cao này, CH-T4 có thể tránh được mây, tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời và hoạt động trong thời gian dài. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã phát sóng cảnh CH-T4 cất cánh từ sân bay ở một địa điểm không tiết lộ rõ thuộc vùng tây bắc nước này.

tin liên quan

Vỡ mộng với vũ khí Trung Quốc
Ưu thế giá rẻ của khí tài quân sự từ Trung Quốc đang đứng trước nghi vấn về chất lượng và độ an toàn sau những sự cố liên tiếp xảy ra tại nhiều nước trong thời gian gần đây.
Các chuyên gia thuộc Học viện Khí động học và Không gian Trung Quốc cũng tuyên bố CH-T4 đã cất cánh và “hoạt động hiệu quả suốt một ngày”, đồng thời khẳng định họ đang tiếp tục nỗ lực cải tiến thiết kế để CH-T4 có thể bay suốt nhiều tháng, thậm chí nhiều năm liền. Truyền thông Trung Quốc dẫn các nguồn tin cho hay nước này có thể triển khai UAV mới phục vụ mục đích dân sự lẫn quân sự.
Hai chuyên gia hàng không Mỹ Jeffrey Lin và P.W.Singer, nổi tiếng với trang blog nghiên cứu về vũ khí quân sự châu Á Eastern Arsenal, lưu ý CH-T4 là sự kết hợp “ấn tượng” giữa kích cỡ lớn và trọng lượng nhẹ. Dù có sải cánh khoảng 39,6 m, hơn cả máy bay Boeing 737 (34 m), nhưng UAV này chỉ nặng 350 - 500 kg do được làm bằng sợi carbon siêu nhẹ. Với vận tốc 217 km/giờ, CH-T4 có thể giúp duy trì giám sát khu vực rộng hơn 1 triệu km2, tương đương diện tích Ai Cập, theo đánh giá của ông Singer.
Công cụ then chốt
Mô hình A2/AD lâu nay được xem là mũi nhọn chính để Trung Quốc ngăn chặn lực lượng Mỹ tiếp cận các khu vực mà Bắc Kinh xem là “lợi ích chiến lược”, đẩy đối phương khỏi phạm vi có thể phản ứng kịp thời mỗi khi xảy ra biến cố tại tây Thái Bình Dương. Trong trường hợp xung đột, mục tiêu cụ thể lớn nhất là tàu sân bay, biểu tượng sức mạnh trên biển của Washington và là cơ sở triển khai chiến đấu cơ. Đóng vai trò quyết định của A2/AD là quy trình hành động được gọi bằng thuật ngữ “chuỗi tiêu diệt” bao gồm hệ thống trinh sát, radar hay vệ tinh xác định vị trí mục tiêu nhanh chóng gửi thông tin về trung tâm chỉ huy để triển khai các loại vũ khí tấn công hiện đại chẳng hạn như tên lửa diệt tàu sân bay DF-41.
Trong bài viết trên chuyên san Foreign Policy, cựu Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ Jonathan Greenert từng khẳng định: “Chúng ta phải tìm ra điểm yếu để phá vỡ “chuỗi tiêu diệt”. Cần ưu tiên phá sóng, chặn tín hiệu hoặc phá hủy hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát. Sau đó là vô hiệu hóa các loại khí tài như máy bay, tàu chiến và cơ sở tên lửa. Cuối cùng là đánh chặn bất kỳ vũ khí nào được khai hỏa”. Vì thế, theo các chuyên gia, CH-T4 có thể là công cụ then chốt của “chuỗi tiêu diệt” trong tình huống Mỹ vô hiệu hóa hệ thống thông tin liên lạc và vệ tinh của Trung Quốc. Khi đó, UAV này có thể cung cấp thông tin cần thiết về mục tiêu, dẫn đường cho tên lửa và giúp duy trì liên lạc. So với các hệ thống trinh sát khác, CH-T4 rẻ tiền và hoạt động linh hoạt hơn vệ tinh cũng như bay cách xa khu vực chiến sự. Trong báo cáo thường niên mới, Lầu Năm Góc đã thừa nhận Trung Quốc “sở hữu và phát triển UAV giúp tăng cường năng lực tiến hành chiến dịch trinh sát và tấn công tầm xa”.
Quân đội Mỹ nghiên cứu chiến thuật mới
Quân đội Mỹ vừa tiến hành tập trận với Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS). Theo trang Business Insider, máy bay vận tải C-17 chở HIMARS từ căn cứ ở bang Washington đến bang California để tấn công mục tiêu, phóng hàng loạt rốc két và rút đi chỉ trong vòng 20 phút. Trung tá Joe McNeil, chỉ huy cuộc tập trận, cho biết chiến thuật này có thể hỗ trợ bất kỳ chiến dịch quân sự nào, giúp quân đội tăng cường khả năng phản ứng nhanh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hơn nữa, các nhà phân tích cho rằng đây là một trong những giải pháp hữu hiệu trong trường hợp xảy ra xung đột ở Biển Đông. HIMARS từng được đưa đến Philippines tập trận hồi năm 2016 và khi đó, giới chức Mỹ cho hay Lầu Năm Góc có thể triển khai hệ thống này ở các căn cứ trong khu vực nếu tình hình Biển Đông có biến động lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.