Trung Quốc tức tối vì tàu Mỹ áp sát Hoàng Sa

01/02/2016 08:48 GMT+7

Trung Quốc tiếp tục phản ứng giận dữ trước việc tàu tên lửa Mỹ đến gần Hoàng Sa để duy trì quyền tự do hàng hải.

Trung Quốc tiếp tục phản ứng giận dữ trước việc tàu tên lửa Mỹ đến gần Hoàng Sa để duy trì quyền tự do hàng hải.

Khu trục hạm tên lửa USS Curtis Wilbur của Mỹ - Ảnh: ReutersKhu trục hạm tên lửa USS Curtis Wilbur của Mỹ - Ảnh: Reuters
Sau Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tiếp tục lên tiếng chỉ trích việc khu trục hạm USS Curtis Wilbur của Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 30.1 là hành động “cố ý khiêu khích, vô trách nhiệm và cực kỳ nguy hiểm”, theo Reuters.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân khẳng định lực lượng Trung Quốc ở Hoàng Sa cùng các tàu hải quân và máy bay đã đưa ra các cảnh báo và thực hiện các hành động “trục xuất” tàu Mỹ nhưng không cung cấp chi tiết. Ông Dương còn tuyên bố quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện “mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh bất kể các hành động khiêu khích mà phía Mỹ thực hiện”, theo Tân Hoa xã.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davies khẳng định hoạt động của tàu USS Curtis Wilbur nhằm thách thức chính sách của một số bên đòi tàu bè, máy bay phải xin phép hoặc thông báo trước khi đi qua các vùng biển.
Trái với tuyên bố của Bắc Kinh, giới chức Mỹ cho hay không có tàu Trung Quốc nào hiện diện trong khu vực khi tàu USS Curtis Wilbur thực hiện sứ mệnh. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain hôm qua đưa ra tuyên bố cho hay ông “được khích lệ” bởi thông tin tàu USS Curtis Wilbur đến sát Hoàng Sa và hy vọng hoạt động này sẽ diễn ra thường xuyên hơn, theo Reuters.
Ông McCain vốn là một trong những chính khách Mỹ chỉ trích gay gắt chính quyền của Tổng thống Barack Obama vì trì hoãn đẩy mạnh tuần tra áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông để Bắc Kinh vẫn ngang nhiên hành động bất chấp luật pháp, đe dọa an toàn khu vực.
Cũng trong hôm qua 31.1, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne lên tiếng ủng hộ động thái mới của Washington. “Mỹ đã công khai chính sách thực hiện chiến dịch tự do hàng hải trên toàn cầu, phù hợp với luật pháp quốc tế... Úc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và những đối tác khác trong khu vực về an ninh biển”, tờ The Sydney Morning Herald dẫn lời bà Payne nhấn mạnh.
Theo tờ báo này, Canberra đã được Washington báo trước về kế hoạch đưa tàu USS Curtis Wilbur đến gần đảo Tri Tôn, cho thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa hai đồng minh về vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Payne còn nhấn mạnh rằng 60% hàng xuất khẩu của Úc đi qua Biển Đông nên nước này có “lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại không bị cản trở, tự do hàng hải và hàng không” ở khu vực.
“Tàu và máy bay Úc sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế, kể cả ở Biển Đông”, bà Payne tuyên bố.
Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại
Đó là tuyên bố được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đưa ra ngày 31.1, khi trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc ngày 30.1 hải quân Mỹ thực hiện “chiến dịch tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý của Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Trong tuyên bố đăng trên website của Bộ Ngoại giao, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa. Là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (điều 17). Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.