Trước ngã ba đường

16/04/2017 08:52 GMT+7

Cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp vào hôm nay 16.4 là sự kiện mang ý nghĩa định mệnh đối với tương lai Thổ Nhĩ Kỳ.

Khoảng 55 triệu cử tri sẽ quyết định chấp nhận hay không đối với điều khoản sửa đổi hiến pháp về dành cho tổng thống quyền hạn to lớn và rộng rãi đến mức hệ thống chính trị nước này sẽ chuyển từ quốc hội thực quyền sang tổng thống thực quyền.
Trong thực chất, cuộc trưng cầu là sự phán xử của cử tri đối với đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Ông chủ trương sửa đổi hiến pháp để tập trung quyền lãnh đạo về mình và có thể tiếp tục cầm quyền đến tận năm 2029. Nếu đạt mục tiêu, nhà lãnh đạo này có thể đi vào lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời thay đổi cả bản chất thể chế nhà nước và hệ thống chính trị quốc gia.
Cụ thể là lật ngược sự tách bạch giữa nhà nước và tôn giáo do nhà lập quốc Mustafa Kemal Atatürk đã tạo dựng. Lâu nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Erdogan “muốn Hồi giáo hóa Thổ Nhĩ Kỳ”. Vì thế mới nói là Thổ Nhĩ Kỳ hiện đứng trước ngã ba đường với cuộc trưng cầu dân ý này. Bằng lá phiếu phản bác hoặc ủng hộ sửa đổi hiến pháp, cử tri sẽ lựa chọn để đất nước tiếp tục đi theo định hướng của ông Kemal Atatürk như cả thế kỷ nay hay theo ông Erdogan dẫn dắt rẽ đi lối khác.
Bên cạnh đó, cho dù ý nguyện của đa số cử tri là gì thì hai hệ quả không thể tránh khỏi là chính trường và nội bộ xã hội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phân hóa sâu sắc cũng như quan hệ của nước này với EU sẽ tiếp tục rất trắc trở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.