Vì sao Mỹ dùng oanh tạc cơ B-2 dội bom IS ở Libya?

22/01/2017 14:00 GMT+7

Rạng sáng 18.1, ba oanh tạc cơ tàng hình B-2A Spirit cất cánh từ căn cứ Whiteman (bang Missouri, Mỹ) vượt Đại Tây Dương đến Libya dội bom 2 trại huấn luyện của IS rồi quay về Mỹ, hành trình kéo dài 34 giờ.

Phục vụ cho tốp 3 chiếc B-2A này (2 chiếc tham gia tấn công, 1 chiếc bay dự phòng) có 15 máy bay tiếp dầu loại KC-135 và KC-10 ở Mỹ và châu Âu, máy bay không người lái MQ-9 Reaper vừa truyền tín hiệu video theo thời gian thực về mục tiêu cho B-2, vừa tham gia đánh đòn kết thúc bằng tên lửa Hellfire và bom dẫn đường laser GBU-12 Paveway.

Hai khu trục hạm USS Donald Cook và USS Porter đậu ở biển Địa Trung Hải phía bắc Libya, cùng máy bay trinh sát tác chiến điện tử U-28A và cả máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk cũng tham gia hỗ trợ phi vụ ném bom này, theo The Aviationist ngày 20.1.

Cuộc tấn công cũng được Mỹ nói là có sự chấp thuận của chính phủ thống nhất Libya.

Oanh tạc cơ tàng hình B-2 thuộc Không đoàn ném bom số 509 ở căn cứ Whiteman, bang Missouri đang được nạp vũ khí, chuẩn bị cất cánh bay sang Libya dội bom quân IS, rạng sáng 18.1 Không lực Mỹ

Hai chiếc B-2 được cho đã ném tổng cộng khoảng 100 quả bom dẫn đường bằng GPS loại GBU-38 JDAM (250 kg/quả) xuống 2 trại huấn luyện của IS nằm cách thành phố Sirte khoảng 45 km về phía tây nam. Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó thông báo khoảng 80 tay súng IS bị tiêu diệt trong trận không kích này. Cuộc không kích do Tổng thống Barack Obama ra lệnh tiến hành, và đó cũng là lần cuối ông ra lệnh tấn công trên tư cách Tổng tư lệnh tối cao của quân đội Mỹ.

Được biết mỗi chiếc B-2 có thể mang đến 80 quả bom dẫn đường có độ chính xác cao JDAM.

Business Insider tính sơ sơ là mỗi giờ bay của B-2 tốn 130.000 USD, hai chiếc oanh tạc cơ này bay 34 giờ ngốn hết 8,8 triệu USD. Số tiền này chưa tính giá của gần 100 quả bom JDAM đã thả cùng chi phí của 15 chuyến bay tiếp xăng, chi phí hoạt động hỗ trợ liên quan phi vụ của B-2.

Vấn đề là vì sao ở khu vực Trung Đông, Mỹ đã có oanh tạc cơ B-52H, B-1B tham gia đánh IS mà vẫn phải điều động oanh tạc cơ tàng hình B-2 bay từ Mỹ sang đánh IS ở Libya?

B-2 được tiếp dầu trên không trên đường bay sang Libya. Loại oanh tạc cơ này có thể bay gần 10.000 km không cần tiếp dầu Không lực Mỹ
Hình ảnh từ clip do máy bay trinh sát U-28A quay được cho thấy quân IS đang tiếp tế vũ khí cho 1 trại huấn luyện ở ngoại ô Sirte, Libya, vài giờ trước khi cuộc dội bom của B-2 diễn ra, rạng sáng 18.1 Không lực Mỹ

Theo The Drive ngày 19.1, các chiếc B-2 đi vào phục vụ Không lực Mỹ từ năm 1997 và đến năm 1999 tham chiến lần đầu ở chiến trường Kosovo. Đến nay B-2 vẫn là loại oanh tạc cơ tàng hình duy nhất trên thế giới, Mỹ hiện có khoảng 20 chiếc, đóng tại căn cứ Whiteman.

Clip oanh tạc cơ B-2 cất cánh từ căn cứ Whiteman, bang Missouri rạng sáng 18.1 bay sang Libya tấn công IS Nguồn: Không lực Mỹ

Việc sử dụng B-2 được cho là nhằm kiểm tra các trang thiết bị điện tử và máy tính mới nâng cấp trên B-2. Trước đây B-2 dùng máy tính có từ thời những năm 1980 được cho lạc hậu so với ngày nay. Không lực Mỹ đang tiến hành nâng cấp các thiết bị này cho B-2 để máy bay này có thể liên lạc trực tiếp với vệ tinh qua tần số cao, kết nối thông tin tốc độ cao với các máy bay không người lái để nhận thông tin video theo thời gian thực (streaming video) về mục tiêu đang nhắm đến. Radar quét mảng pha điện tử cũng được trang bị cho B-2.

Việc dội bom IS ở Libya cũng là cách phối kiểm và xem xét khả năng của những thiết bị này hoạt động trong điều kiện thực chiến thay vì qua các cuộc tập trận như trước.

B-2 hạ cánh xuống căn cứ Whiteman, bang Missouri ngày 19.1 sau khi oanh kích quân IS ở Libya. Chiến dịch này kéo dài gần 34 giờ Không lực Mỹ

B-2 cũng là vũ khí chuyên dùng cho các cuộc tấn công phủ đầu chiến lược quy mô toàn cầu mà không loại máy bay ném bom nào có thể so sánh, nhờ khả năng tàng hình và khối lượng bom đạn mang theo lớn. Việc tác chiến của B-2 thường kéo dài hàng chục giờ, nên đó cũng là dịp để huấn luyện phi công trong trạng thái làm việc kéo dài (chiến dịch Libya kéo dài gần 2 ngày liên tục trên không với các phi công B-2).

Hơn nữa, B-2 suốt hơn 15 năm qua ít có dịp tham chiến so với B-52H và B-1B (trừ lần tham gia tấn công Libya năm 2011 trong chiến dịch lật đổ cựu tổng thống Muammar Gaddafi) nên cũng phải thực hành tác chiến trong điều kiện thực tế. Cuộc oanh kích lần này cũng là dịp phối kiểm hoạt động chung giữa B-2 với nhiều lực lượng khác như tiếp dầu, trinh sát…

Clip oanh tạc cơ B-2 đáp xuống căn cứ Whiteman, bang Missouri ngày 19.1 sau phi vụ oanh kích IS ở Libya Nguồn: Không lực Mỹ

Cuối cùng, đây là chiến dịch quân sự do tổng thống Barack Obama chỉ đạo lần cuối cùng trước khi chính thức rời nhiệm sở, bàn giao nhiệm vụ cho tân Tổng thống Donald Trump. Ông Obama đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch ném bom bằng B-2 cùng với nội các an ninh của mình, bao gồm bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, bộ trưởng Không quân cùng các quan chức quân đội tại Lầu Năm Góc.

Dĩ nhiên đây là chiến dịch mang lại nhiều rủi ro nếu có máy bay nào bị bắn hạ hay bị thiệt hại. Và The Drive bình luận rằng không ai có thể nói là tổng thống Obama rời nhiệm sở mà không để lại tiếng vang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.