Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga?

25/11/2015 13:18 GMT+7

Vài ngày sau khi tham chiến ở Syria, Su-30 Nga đã bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ; Ankara tung F-16 ra chặn lại, sau đó dọa sẽ bắn rơi máy bay Nga. Vì sao lần này Thổ Nhĩ Kỳ bắn thật?

Vài ngày sau khi tham chiến ở Syria, Su-30 Nga đã bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ; Ankara tung F-16 ra chặn lại, sau đó dọa sẽ bắn rơi máy bay Nga. Vì sao lần này Thổ Nhĩ Kỳ bắn thật?

Chiến binh Turkmen - lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng và bị Nga ném bom - ở biên giới Syria, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: ReutersChiến binh Turkmen - lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng và bị Nga ném bom - ở biên giới Syria, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters
Chuyện cũ
Việc Thổ Nhĩ Kỳ cùng đồng minh NATO tố Nga vi phạm không phận thành viên là điều xưa như trái đất, không chỉ ở Trung Đông mà ở cả đông bắc châu Âu, nơi Nga bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng quân sự ly khai Ukraine sát sườn các đồng minh Baltic của NATO là Estonia, Latvia và Lithuania.
Trên chiến trường Trung Đông, Nga từng thừa nhận chiến đấu cơ Su-30 của mình “bay nhầm” vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, hứa mọi chuyện sẽ không tái diễn. Lần đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tung ngay chim sắt hàng Mỹ F-16 mà chặn hàng Nga. Nhưng chỉ vài ngày sau, Ankara lại tố Nga tiếp tục vi phạm không phận. Tất cả những lời tố cáo đó chẳng có gì mới, kể cả lời đe dọa không thể rõ hơn của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ có thể bắn rơi máy bay Nga. Mỹ cũng đe hành động của Nga là “cực kỳ nguy hiểm”. Rõ ràng, về mặt lý thuyết, Mỹ và châu Âu có thể huy động sức mạnh quân sự hùng hậu của mình để bảo vệ thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng một lần nữa, tất cả những điều đó đều cũ mèm.
Bất ngờ
Vẫn chưa rõ lần này Nga có thật sự vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ không (Nga tuyên bố không, Thổ Nhĩ Kỳ một mực bảo có) nhưng cho dù là có đi chăng nữa, có lẽ Nga mong chờ một phản ứng như những lần trước: NATO sẽ tránh rủi ro leo thang quân sự đến mức vượt tầm kiểm soát mà phải nhịn.
Chiếc Su-24 của Nga bốc khói sau khi bị bắn rơi - Ảnh: Reuters
Trong tất cả những lần NATO tố Nga vi phạm không phận các thành viên ở Baltic, máy bay NATO cùng lắm chỉ xuất kích bám theo máy bay Nga. Cho dù có lần chiến đấu cơ 2 bên so kè sát sườn nhau thì cuối cùng ai cũng về nhà nấy, không xảy ra đụng độ.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ là nước theo đuổi chính sách quyết đoán và đôi khi rất liều lĩnh. Điều này càng thể hiện rõ ràng trong chính sách với Syria, nơi từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp đỡ tích cực các nhóm nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh thân cận của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang vất vả chống lại các nhóm nổi dậy người Kurd trên đất Thổ, ngoài ra còn tham gia bỏ bom phiến quân Kurd trên đất Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia ném bom IS nhưng rất hiếm hoi. Ankara không ủng hộ IS nhưng rõ ràng là không tập trung vào mục tiêu này. Mục tiêu của họ rõ ràng có nhiều khác biệt với NATO trong chính sách ở Trung Đông. Hành động theo đó cũng sẽ khác biệt. Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ liều lĩnh hơn các đồng minh NATO nhiều.
Nga - cái gai khó chịu
Còn có một lý do khác khiến Thổ Nhĩ Kỳ rất “gai” Nga. Suốt tuần qua, Nga liên tục dội bom Turkmen - lực lượng nổi dậy sắc tộc Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Đó là lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu xem là công dân Thổ Nhĩ Kỳ không chính thức, giúp đỡ họ tới nơi tới chốn mong lập một vành đai an toàn sát biên giới nước này.
Máy bay Nga ném bom trên đất Syria để tấn công những lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ và hẫu thuẩn thế lực Thổ Nhĩ Kỳ muốn lật đổ - Ảnh: AFP
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từng triệu tập đại sứ Nga yêu cầu ngưng dội bom Turkmen, vốn được Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu gọi là “những người anh em”. Ông Davutoglu cũng đã từng lôi hết những từ ngữ mạnh mẽ nhất để nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ “chống lại cuộc tấn công dã man này”, rằng hàng động của Nga “có thể sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng”.
Tất cả những diễn biến trên không có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm bắn rơi máy bay để trả thù Nga. Nhưng việc Nga tăng cường tấn công người Turkmen những ngày qua như những thùng dầu khổng lồ đổ vào chảo lửa từ lâu đã nóng giữa những bất đồng sâu sắc Nga-Thổ trong vấn đề Syria.
Nga đem quân vào Syria với mục tiêu tối thượng là bảo vệ đồng minh Assad trong khi Thổ Nhĩ Kỳ suốt mấy năm qua chỉ tìm mọi cách lật đổ ông này. Họ đã đứng sẵn ở 2 bên đối nghịch trong một trận chiến cực kỳ nguy hiểm. Bùng phát là điều không có gì là bất ngờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.