Vụ án mạng ở Malaysia: Đoàn Thị Hương nói gì với đại diện Sứ quán Việt Nam?

Giới chức Việt Nam và Indonesia đã được tiếp xúc những nghi phạm bị tạm giam vì tình nghi sát hại một người CHDCND Triều Tiên ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur 2.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25.2 ra thông báo cho hay sau cuộc gặp giữa Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman bên lề Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa qua, phía Malaysia đã đồng ý để đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thăm lãnh sự đối với nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam có liên quan đến vụ sát hại một công dân Triều Tiên.
Sáng 25.2, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã tiến hành thăm lãnh sự nghi phạm và xác định người này đúng là công dân Việt Nam, tên là Đoàn Thị Hương, sinh năm 1988 tại Nam Định; sơ bộ thấy sức khỏe ổn định. Trong tiếp xúc với cán bộ đại sứ quán, Đoàn Thị Hương cho biết cô bị lợi dụng và nghĩ rằng được mời đóng clip hài.

tin liên quan

Bộ Ngoại giao xác nhận Đoàn Thị Hương là công dân Việt Nam
Sáng 25.2, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã thăm lãnh sự nghi phạm liên quan vụ sát hại công dân Triều Tiên và xác định đúng là công dân Việt Nam, tên là Đoàn Thị Hương. Đoàn Thị Hương nói mình bị lợi dụng và nghĩ rằng tham gia đóng video clip hài
 


Cảnh sát Malaysia hôm qua lên tiếng trấn an dư luận rằng họ sẽ làm mọi thứ có thể để bảo đảm không có nguy cơ lây nhiễm chất độc thần kinh VX.
Theo đó, các chuyên gia từ ngày 26.2 bắt đầu tiến hành rà soát sân bay KLIA2 cùng một số địa điểm khác để tìm “vật liệu phóng xạ” liên quan đến vụ án. Ông Abdul Samah Mat nói thêm nhà chức trách đã lục soát một căn hộ ở ngoại ô thủ đô để truy tìm dấu vết chất phóng xạ.
Theo AFP dẫn lời ông Samah, hiện chưa có người thân nào của nạn nhân Triều Tiên đến cung cấp ADN song nhà chức trách Malaysia sẽ cho họ thêm thời gian.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam đề nghị phía Malaysia xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật của nước này, pháp luật và thông lệ quốc tế; đồng thời tìm hiểu các thủ tục để hỗ trợ về mặt pháp lý, tôn trọng quyền lợi chính đáng của công dân. Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Malaysia trong việc điều tra vụ việc này.
Cũng trong sáng 25.2, Phó đại sứ Indonesia tại Malaysia, ông Andreano Erwin đã có cuộc trao đổi trong khoảng 30 phút với nghi phạm Siti Aishah đang bị giam giữ tại đồn cảnh sát Cyberjaya ở thủ đô Kuala Lumpur.
Aishah và Đoàn Thị Hương đã bị cảnh sát Malaysia bắt giữ vì tình nghi dùng chất độc thần kinh VX để tấn công một công dân Triều Tiên tên Kim Chol tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur 2 (KLIA2) hôm 13.2. Nạn nhân được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Người này đã tử vong trên đường được đưa đến bệnh viện.
Trong cuộc họp báo sau đó, ông Erwin cho hay Aishah nói rằng cô được trả 400 ringgit (khoảng 2 triệu đồng) để tham gia vào một “trò chơi khăm”. “Aishah không biết đó là chất độc. Cô ấy chỉ nói chung chung rằng một số người Triều Tiên hoặc Nhật Bản gì đó nhờ cô ấy làm thế. Cô ấy cũng nói chẳng biết người Việt Nam nào”, theo tờ New Straits Times dẫn lời ông Erwin.
Cũng theo quan chức Indonesia, Aishah có kể lại rằng người ta đưa cho cô một loại dầu, giống loại dầu dành cho em bé và sức khỏe cô này vẫn bình thường, không có dấu hiệu nhiễm chất độc.
Malaysia đòi bắt nhà ngoại giao Triều Tiên
Theo cảnh sát Malaysia, hai phụ nữ trên biết rõ họ sử dụng chất độc và đã tập dượt nhiều lần để thực hiện vụ tấn công. Cả hai cũng đã được hướng dẫn rửa tay sau đó. Giới chức Malaysia cho biết thêm có ít nhất 8 người Triều Tiên, bao gồm một nhà ngoại giao, liên quan đến vụ án mạng. Một người đã bị bắt giữ, 2 người vẫn còn ở Malaysia và 4 người khác được cho là đã rời khỏi nước này. Cảnh sát Malaysia đang cố truy tìm nghi can thứ 8, có tên gọi là Ri Ji-u.
Tại cuộc họp báo ngày 25.2, giới chức cảnh sát Malaysia thông báo sẽ ra lệnh bắt giữ ông Hyon Kwang-song, Bí thư thứ hai tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur để thẩm vấn nếu người này không tình nguyện hợp tác với cảnh sát, theo Reuters. Ông Abdul Samah Mat, cảnh sát trưởng tại bang Selangor, nói sẽ cho nhà ngoại giao Triều Tiên thời gian “hợp lý” để trình diện. Nếu người này không hợp tác, biện pháp cuối cùng là cảnh sát sẽ lấy lệnh bắt giữ từ tòa án, ông Samah nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.