Vụ đánh bom chấn động chính trường Iraq

27/10/2009 01:53 GMT+7

Vụ tấn công ngày 25.10 được xem là một cú đấm mạnh vào Thủ tướng Nouri al-Maliki trước cuộc bầu cử quốc hội ở nước này.

Hình ảnh xe hơi bốc cháy, mảnh vỡ vụn nằm vương vãi và thi thể bị hủy hoại được nhìn thấy trên đường Haifa của thủ đô Baghdad sau vụ đánh bom kép hôm 25.10 là sự gợi nhớ không mấy dễ chịu về quá khứ đối với nhiều người Iraq.

Vụ đánh bom trên, vốn đã làm thiệt mạng 155 người tính đến hôm qua, là vụ tấn công tồi tệ nhất ở Baghdad kể từ giữa năm 2007. Cùng với vụ tấn công vào ngày 19.8 làm khoảng 100 người chết, các tay súng chống đối đã phá hủy một loạt trụ cột quyền lực của nhà nước Iraq: các bộ Ngoại giao, Tài chính, Tư pháp, Công trình công cộng và đô thị, cùng trụ sở hội đồng tỉnh Baghdad, tất cả nằm trong khu vực được tăng cường an ninh.

Khác với các vụ tấn công đền thờ, nhà hàng và chợ, vốn nhằm kích động xung đột giáo phái, các vụ tấn công trên có vẻ mang một mục đích chính trị rõ ràng. Trong cuộc bầu cử quốc hội dự kiến được tổ chức vào tháng 1.2010, Thủ tướng Nouri al-Maliki đặt cược tương lai của mình vào việc “đã khôi phục an ninh tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề”. Nhưng trên đường phố Baghdad hôm 25.10, nơi máu và mảnh vụn lẫn với nước trào ra từ đường ống bị vỡ, tuyên bố trên của ông Maliki có vẻ đã “tả tơi” cùng với mặt tiền của những tòa nhà bị đánh bom, theo nhận định của báo Washington Post. Chỉ vài giờ sau vụ tấn công, ông Maliki đã đến hiện trường. Cũng như sau vụ tấn công hồi tháng 8, ông buộc tội các cựu thành viên đảng Baath của cố Tổng thống Saddam Hussein và nhóm al-Qaeda tại Iraq.

Các vụ đánh bom ngày 25.10 xảy ra vào thời điểm hết sức bấp bênh của chính trường Iraq. Quốc hội nước này vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về luật tổ chức bầu cử vào ngày 16.1.2010, bất chấp cảnh báo của Mỹ và LHQ rằng thời gian không cho phép chần chừ thêm nữa. Một số quan chức đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh tại Iraq, trong đó có Thủ tướng al-Maliki và Bộ trưởng Nội vụ Jawad Bolani, bị phe đối lập chỉ trích là chú tâm nhiều vào việc bầu cử hơn là điều hành đất nước.

Giới quan sát nhận định các nhóm chống đối Iraq có thể đã suy yếu và đã bớt tấn công thường xuyên hơn, nhưng chúng vẫn có thể thực hiện được những vụ đáng sợ hơn, chẳng hạn như các vụ tấn công hồi tháng 8 và hôm 25.10. Những vụ việc này cho thấy sự tinh thông của quân nổi dậy trong việc chuẩn bị hậu cần và hoạch định kế hoạch tấn công vào các địa điểm được bảo vệ nghiêm ngặt nhất nước.

Theo báo Telegraph, việc tung ra các vụ tấn công đã trở nên dễ dàng hơn kể từ khi lính Mỹ rút khỏi các thành phố Iraq hồi tháng 6, do thiếu vắng đội ngũ tình báo vốn là nền tảng của đợt tăng quân của Mỹ hồi năm 2007. Một loạt tấn công tiếp theo, nếu có, chắc chắn sẽ tạo ra nghi vấn về việc liệu ông Obama có thể giảm nửa số quân tại Iraq vào tháng 8 tới hay không, một quyết định có thể tác động đến việc hoạch định chiến lược tại Afghanistan.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.