Vũ khí hạt nhân Triều Tiên, mối đe dọa lớn nhất đang chờ tân lãnh đạo Mỹ

10/10/2016 14:14 GMT+7

Lãnh đạo mới của nước Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều mối đe doạ từ bên ngoài, trong đó vũ khí hạt nhân của Triều Tiên được đánh giá là đáng sợ nhất, theo tổ chức RAND.

Tổ chức các nhà nghiên cứu quân sự của Mỹ (RAND) cảnh báo trong vòng 4 năm nữa, Triều Tiên có thể sẽ sở hữu 100 vũ khí hạt nhân và trở thành mối đe doạ lớn không chỉ đối với đồng minh của Mỹ ở châu Á mà cả với nước này, truyền thông Hàn Quốc cho hay ngày 10.10.
Trong một cáo báo công bố hồi cuối tuần qua, RAND - có trụ sở ở California - nói rằng Bình Nhưỡng hiện nay có đủ nguyên liệu để chế tạo 13 đến 21 vũ khí hạt nhân mỗi năm và đến năm 2020, số lượng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ đạt mức cao nhất là 100. Với số lượng vũ khí này, RAND đưa Triều Tiên đứng đầu danh sách những mối đe doạ hàng đầu của nước Mỹ, trên cả Nga, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Trung Quốc và tấn công mạng.
"Ước tính hiện tại cho thấy một số tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân - loại tầm xa, di động và phóng từ tàu ngầm - có thể sẽ hoạt động trong khoảng năm 2020 và 2025. Bình Nhưỡng sẽ có một nguồn lực vũ khí hạt nhân với kích cỡ đủ loại, đa dạng, có độ tin cậy cao và có khả năng vô hiệu hoá các kế hoạch quân sự của chúng ta", RAND viết trong bản báo cáo có tựa đề “Thông tin cho các nhà lãnh đạo tương lai”, theo Yonhap.
Một cuộc tập trận phóng tên lửa của Triều Tiên Reuters
Mối đe doạ hạt nhân từ Bình Nhưỡng khiến Seoul và Tokyo lo lắng trong khi có nhiều người ở Hàn Quốc và Nhật Bản mất lòng tin vào chiếc ô che chắn của Mỹ, KBS World dẫn báo cáo của RAND. Họ thất vọng vì Washington vẫn chưa kiềm chế được Bình Nhưỡng, dẫn đến những lời kêu gọi phát triển vũ khí hạt nhân độc lập tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
RAND bày tỏ quan ngại về việc kêu gọi một cuộc tấn công phủ đầu đối với Triều Tiên cũng như trang bị vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Tất cả những điều này sẽ chỉ dẫn đến leo thang căng thẳng và đặt thế giới vào sự bất ổn.
Từ những nhận định trên, RAND cho rằng những nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ cần xác định giới hạn của sự nhân nhượng đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên và cả chính sách đối phó nếu Hàn Quốc và Nhật Bản tự phát triển hạt nhân. Từ đó, Washington sẽ quyết định nên hành động như thế nào khi thời cơ đến, theo Chosun Ilbo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.