Vụ United Airlines kéo hành khách khỏi máy bay: Ai cũng có thể trở thành nạn nhân

11/04/2017 14:01 GMT+7

Việc hành khách đã mua vé bị đẩy ra khỏi các chuyến bay không phải là trường hợp hiếm gặp, dù lỗi không thuộc về họ.

Một đoạn phim đăng trên các mạng xã hội như Facebook và Twitter vào đêm 9.4 (giờ địa phương) cho thấy cảnh tượng gây phẫn nộ trên chuyến bay chuẩn bị cất cánh khỏi phi trường quốc tế O’Hare, thành phố Chicago (Mỹ).

Theo hình ảnh do một hành khách ngồi ghế lối đi trên máy bay của Hãng hàng không United Airlines quay lại, 3 người đàn ông đeo thiết bị liên lạc, khoác áo ghi chữ cảnh sát, nói chuyện với một hành khách nam. Sau vài giây, một trong 3 người túm lấy vị khách và kéo ông ra khỏi ghế ngồi rồi tiếp tục lôi xềnh xệch ra cửa máy bay giữa tiếng la hét hoảng loạn của nạn nhân cũng như tiếng phản đối của nhiều người khác.

Theo trang tin Business Insider, sự cố trên chuyến bay 3411 vào ngày 9.4 (giờ Mỹ) từ Chicago đến Louisville (Mỹ) chỉ là một ví dụ điển hình về nhiều trường hợp các hãng hàng không bán vé quá tay, do dựa vào các thuật toán tính toán xác suất những hành khách có thể hủy chuyến, không có mặt hoặc đến phi trường trễ, từ đó gia tăng lợi nhuận mỗi chuyến.

Tuy nhiên, cũng có lúc tất cả hành khách đều có mặt để lên máy bay, nhưng đây không phải là trường hợp của chuyến bay 3411. Trái ngược với thông cáo chính thức của United Airlines vào sáng 10.4 (giờ Mỹ), chuyến bay này không bán nhiều vé hơn số ghế đã định. Thay vào đó, hãng cần phải "mời" 4 hành khách xuống để giành chỗ cho các phi công và tiếp viên sẽ phục vụ chuyến bay kế tiếp vào chiều cùng ngày ở Louisville.

Dù là nguyên nhân gì, các hãng hàng không luôn áp dụng một quy trình cụ thể khi chuyến bay có nhiều hành khách hơn số chỗ ngồi trên máy bay.

Chính sách chọn người rời chuyến bay

United Airlines vướng vào rắc rối mới sau vụ từ chối cho 2 bé gái 10 tuổi mặc quần legging lên máy bay Reuters

Theo Đài ABC News ngày 11.4, United Airlines hồi năm ngoái đã đẩy 3.765 hành khách khỏi các chuyến bay vì bán vé nhiều hơn số ghế trên khoang. Tổng cộng các hãng hàng không Mỹ đã ép 40.000 hành khách rời máy bay trong năm 2016, chưa tính số người tự nguyện nhường ghế. Theo thông tin từ chính quyền Mỹ, đã có 434.000 người đồng ý rời khỏi máy bay của 12 hãng hàng không lớn nhất của nước này trong năm 2016, bao gồm gần 63.000 người sử dụng đường bay của United Airlines. Trong khi đó, nhà vô địch trong nhóm bán vé quá tay là Delta Air Lines, với khoảng 130.000 người không còn chọn lựa nào khác ngoài việc phải thuận theo yêu cầu rời máy bay của hãng này.

Đầu tiên, họ sẽ yêu cầu những người tình nguyện rời khỏi chuyến bay đã đặt trước, thông qua email, tại điểm check-in lên tàu bay, hoặc tại cổng. Những yêu cầu này sẽ kèm theo các đề xuất đền bù như cấp phòng khách sạn miễn phí, tiền mặt hoặc nâng cấp lên khoang hạng nhất trong chuyến bay kế tiếp.

Nhà phân tích về hoạt động hàng không Mỹ, ông Henry Harteveldt cho biết luật liên bang Mỹ không hề có quy định giới hạn về số tiền mà các hãng hàng không có thể đề xuất cho hành khách để họ nhường ghế.

Tất nhiên, không phải lúc nào cũng có người sẵn sàng tình nguyện, và trong trường hợp này, hãng hàng không có thể từ chối tiếp nhận những hành khách chưa lên máy bay.

Dựa trên khía cạnh thống kê, trường hợp trên hiếm khi xảy ra. Theo báo cáo “Xếp hạng chất lượng hàng không” do Đại học bang Wichita và Embry-Riddle thực hiện, xác suất hành khách từ chối tự nguyện rời đi giảm xuống còn 0,62% trong số 10.000 hành khách vào năm ngoái.

Không may cho hành khách gốc Á 69 tuổi, ông là một trong những người bị yêu cầu rời khỏi máy bay, nhưng đây không phải là kết quả từ sự lựa chọn ngẫu nhiên.

Theo hợp đồng vận tải của United Airlines, hành khách bị khuyết tật và mang theo con nhỏ hiếm khi nào lọt vào nhóm bị “xui xẻo”.

Đối với những người còn lại, quyết định sẽ dựa trên tiêu chí có phải là hành khách thường xuyên của hãng hay không, cũng như xét về hạng vé, tình trạng hành trình (có nối chuyến), thời gian check-in.

Hành khách xui xẻo bị lôi khỏi chuyến bay 3411 Chụp từ Youtube

Điều này có nghĩa là những hành khách bỏ nhiều tiền mua vé, bay thường xuyên, check-in sớm sẽ ít phải đối mặt với nguy cơ bị tống khỏi máy bay.

Các hãng hàng không khác của Mỹ gồm Delta và American Airlines đều áp dụng những chính sách tương tự.

Hợp đồng thuê dịch vụ vận chuyển

Khi mua vé, các hành khách thường không lưu ý đến những nội dung trong hợp đồng của hãng hàng không.

Mỗi hãng đều có hợp đồng cụ thể, dài dằng dặc, phức tạp và đủ loại chính sách, chẳng hạn như của hãng Delta có đến 51 trang.


Và lẽ dĩ nhiên, hợp đồng do một bên soạn thảo thường có xu hướng thiên về bảo vệ quyền lợi cho bên đó, trong trường hợp này là hãng hàng không.

Vậy thì, liệu các hãng hàng không có quyền quẳng bạn khỏi máy bay dù chẳng làm gì sai trái?

“Có chứ”, chuyên gia Harteveldt trả lời trang tin Business Insider. “Nên nhớ đây là máy bay của họ, chỗ ngồi của họ, bạn chỉ thuê để đi từ điểm A đến điểm B”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.