Bóng đá phía Nam tụt hậu, cái kết được báo trước!

Quốc Bảo
Quốc Bảo
19/10/2018 08:23 GMT+7

Người hâm mộ bóng đá miền Nam lại một lần nữa chứng kiện sự thất bại của các đội bóng quê mình tại mùa giải V-League 2018.

[VIDEO] GẶP LẠI DANH THỦ NỔI BẬT CỦA BÓNG ĐÁ ĐỒNG THÁP - TRẦN CÔNG MINH

Nhìn vào bảng xếp hạng tổng sắp cả mùa giải, đại diện duy nhất của ĐBSCL là XSKT.Cần Thơ phải nhận vé xuống hạng, còn CLB TP.HCM trầy trật trụ hạng ở những vòng đấu cuối sau nhiều biến động về nhân sự ở thượng tầng. Đội bóng từng làm mưa làm gió ở V-League thập niên 2000 là Bình Dương cũng chỉ cố gắng đứng giữa bảng xếp hạng, vị trí cao nhất mà các đội bóng phía Nam đạt được.

Nhưng kết quả này vẫn được xem là khả quan hơn mùa trước vì nhìn lại bảng tổng sắp V-League 2017, 4 trong 5 đội bóng phía Nam xếp cuối bảng xếp hạng, trong đó Long An nhận suất xuống hạng trực tiếp còn XSKT.Cần Thơ phải tranh vé vớt và sau đó trụ hạng. Riêng đội Sài Gòn có được vị trí thứ 5 nhưng thực chất đội bóng này chỉ mang cái tên vì toàn bộ cầu thủ và HLV đều được “chuyển nhượng” lại từ một đội bóng phía Bắc.

Có lẽ thê thảm nhất phải nói đến khu vực ĐBSCL. Từng có thời điểm khu vực này có đến 5 đội dự giải bóng đá cao nhất quốc gia với những đội từng giành chức vô địch và đóng góp nhiều cầu thủ xuất sắc cho các đội tuyển quốc gia như Đồng Tháp hoặc Long An. Nhưng mùa bóng tới V-League sẽ trắng bóng các đội miền Tây vì Đồng Tháp dù cố gắng lắm cũng chỉ về thứ 3 mùa giải hạng nhất vừa rồi, trong khi XSKT.Cần Thơ đã rớt hạng.

Đâu là nguyên nhân khiến bóng đá miền Nam tụt hậu?

Vấn đề đầu tiên đó là chiến lược phát triển bóng đá trẻ không được các đội chú tâm phát triển một cách căn cơ và bài bản, hầu hết chỉ là đối phó tình huống. Các địa phương có tiềm lực như Bình Dương hoặc TP.HCM hầu như chủ yếu dùng kinh phí để “chiêu binh mãi mã” từ các nơi cho đội bóng lớn dự giải V-League nhằm chạy theo thành tích trước mắt. Điển hình như Bình Dương trong thời gian dài trong đội hình chính chỉ có 1-2 cầu thủ được đào tạo tại địa phương, còn hầu hết đều là ngoại binh hoặc cầu thủ từ các đội bóng khác đến. CLB TP.HCM mùa này cũng chẳng khác bao nhiêu, thậm chí không có cầu thủ nào được đào tạo từ lò trẻ của địa phương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến XSKT.Cần Thơ rớt hạng và làm hai đội bóng trên thi đấu thiếu ổn định những mùa bóng vừa qua.

Vấn đề kế tiếp chính là dù nhiều đội có hệ thống đào tạo trẻ bài bản, nhưng do chạy theo thành tích nên không cho các cầu thủ có cơ hội thử sức ở đấu trường đỉnh cao như V-League, thay vào đó lại trọng dụng ngoại binh hoặc cầu thủ từ nơi khác về với giá chuyển nhượng rất cao. Điển hình đội Bình Dương, họ cũng làm tốt công tác đào tạo trẻ từ cả chục năm trước nhưng do quá coi trọng thành tích nên chưa mạnh dạn tung lực lượng này vào thử sức, dẫn đến nhiều cầu thủ dần mai một.

CLB TP.HCM phải nhờ tới cựu binh như tiền đạo Huỳnh Kesley Alves (giữa) toả sáng mới trụ hạng Khả Hòa

Nhìn cách làm thành công của đội Hà Nội mới thấy công tác đào tạo trẻ căn cơ quan trọng đến nhường nào. Với đội hình phần lớn là các cầu thủ U-23, được sự dìu dắt và chỉ bảo của một vài cựu binh, họ trở thành đội bóng gần như vô đối tại V-League 2018, không chỉ bằng đội hình đồng đều mà cả lối chơi đẹp mắt và hiệu quả.

Có lẽ đã nhìn thấy vấn đề nên đến mùa này, họ đã thay đổi bằng việc đôn HLV Trần Minh Chiến từ đội trẻ lên nắm quyền đội chính, nhờ vậy các cầu thủ trẻ như Tiến Linh (1997), Anh Tài (1996), Tuấn Cảnh (1998), Dũ Đạt (1997)…, cũng là học trò từ lứa trẻ của ông Chiến, mới có cơ hội trổ tài và giúp đội nhà giành Cúp quốc gia sau khi loại ĐKVĐ V-League Hà Nội ở bán kết. Hoặc việc ký kết hợp tác đào tạo trẻ với đội bóng nổi tiếng châu Âu là Juventus của CLB TP.HCM mới đây cũng cho thấy họ đã nhìn ra được tầm quan trọng của vấn đề này, bởi chỉ có như vậy, chặng đường tiếp theo của họ ở V-League mới vững chắc và ổn định hơn.

Hy vọng với cách làm mới, V-League mùa tới sẽ không còn phải chứng kiến các đội bóng miền Nam còn lại tiếp tục rớt hạng!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.