Nỗi khổ của trọng tài ở V-League

15/02/2017 10:36 GMT+7

Bất cứ sai lầm nào của trọng tài ở sân chơi V-League bây giờ đều bị các CLB ngắm nghía dưới lăng kính tiêu cực, có vấn đề tư tưởng chứ không chỉ đơn thuần về chuyên môn.

[VIDEO]: TÌNH HUỐNG GÂY TRANH CÃI TRONG TRẬN SLNA - QUẢNG NAM
V-League 2017 mới trôi qua có 5 lượt trận nhưng ở vòng đấu nào cũng có tranh cãi về trọng tài cùng những phản ứng kịch liệt. Mới nhất, trọng tài Nguyễn Trung Kiên (B) đã lên tiếng xin lỗi CLB SLNA và giới hâm mộ khi để xảy ra sai sót trong trận Quảng Nam thắng ngược 4-2 đội chủ sân Vinh.
Trọng tài Kiên khẳng định ông sai về lỗi nhận định ở tình huống không cắt còi cầu thủ Quảng Nam phạm lỗi với thủ môn Nguyên Mạnh.
Trưởng ban trọng tài Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Văn Mùi cũng nhìn nhận trọng tài Kiên sai, phải tạm nghỉ một trận và chắc chắn chịu thêm kỷ luật nội bộ.
Điều đáng nói là những sai sót của trọng tài làm nhiệm vụ ở V-League quá nhiều và quá nặng đã khiến cho các CLB không còn tin vào cách nhận lỗi nhận định của trọng tài lẫn kết luận của Ban trọng tài.
Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh lập luận, nếu trọng tài yếu kém trình độ thì tại sao lại cho cầm còi ở V-League? Và nếu không vì chuyên môn thì rõ ràng tư tưởng có vấn đề (!?).
Dĩ nhiên, SLNA không dễ dàng chấp nhận lời xin lỗi của trọng tài Nguyễn Trung Kiên và biết sai luật vẫn gửi đơn khiếu nại lên VFF cùng Ban tổ chức giải, dù không thể thay đổi kết quả.
Họ còn yêu cầu VFF phải loại trọng tài này ra khỏi V-League như một cách “xả” ấm ức sau một bàn thua oan.
V-League 2017 đi được 5 vòng, vòng nào cũng có chuyện với trọng tài Minh Tú
Trong khi đó, chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế lại có góc nhìn khách quan và rộng lượng hơn. Ông nói nếu để trọng tài Trung Kiên nghỉ hẳn vì không thể đáp ứng công việc thì đúng hơn quy kết anh thổi vì động cơ trục lợi, hay bị thế lực ép.
Ông Huế lý giải: “Vấn đề bỏ lỗi, làm hỏng trận đấu là chính do chất lượng trọng tài. VFF đã không điều hành tổ chức tuyển chọn đúng người có năng lực bóng đá để đào tạo làm trọng tài, thì cho dẫu họ có say mê, hiếu học cũng chỉ học thuộc lòng luật như cấp tiểu học phải thuộc bảng cửu chương”.
Ông Huế kết luận trọng tài không chỉ thuộc luật, hiểu luật mà còn biết vận dụng luật. Hơn nữa, đa phần trọng tài không trải nghề bóng đá nên khi gặp sự cố, họ không kịp vận dụng luật.
Sai lầm của trọng tài là một phần tất yếu của bóng đá nhưng điều nguy hiểm là rất ít người trong cuộc đủ tỉnh táo để thừa nhận sai lầm ấy không vì động cơ thiên vị hay nhằm trục lợi.
Niềm tin về giới cầm cân nảy mực xuống thấp sau những quyết định như trò hề với Samson Minh Tú
Nỗi khổ của trọng tài chính ở chỗ tình ngay lý gian và sau quá nhiều vụ xử lý oan sai cho CLB đã làm uy tín của “vua sân cỏ” giảm sút trầm trọng.
Bên cạnh đó, phải kể đến cách xử lý không thấu tình đạt lý của chính cấp trên trọng tài là Ban trọng tài VFF như dầu đổ vào lửa trong sự mất niềm tin của nhiều giới.
Rõ ràng nhất là việc Ban trọng tài nhìn nhận “còi vàng” 2016 Nguyễn Ngọc Châu không sai trong vụ Samson và Văn Kiên đạp vào đùi Châu Ngọc Quang khiến dư luận nổi sóng ầm ầm.
Phải chờ đến khi Tổng cục Thể dục thể thao lên tiếng thì Ban kỷ luật VFF mới vào cuộc trấn an dư luận với bản án treo giò Samson 2 trận.
Sự phủ nhận kết luận của Ban trọng tài VFF chẳng khác gì nói họ sai và còn dấy lên nghi án ngay trong nội bộ trọng tài cũng có bên trọng, bên khinh hoặc vì mối liên hệ nào đấy không dám đụng đến cầu thủ của một ông bầu quyền lực (!?).
Và nếu không có lửa thì sao có khói?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.