International Champions Cup đã trở thành hiện tượng độc đáo

02/08/2017 13:40 GMT+7

International Champions Cup đã trở thành một sự kiện thu hút sự chú ý của người hâm mộ bóng đá trong mỗi mùa hè, khi mà các giải đấu chính thức chưa trở lại.

Đội tuyển Mỹ thi đấu tại sân nhà (và đoạt chức vô địch) ở giải CONCACAF Gold Cup 2017? Không hề quan trọng. Vẫn có 82.000 khán giả đến sân xem trận Juventus - Barcelona tại East Rotherford, 80.000 khán giả xem trận Barcelona - M.U tại Landover, hoặc 93.000 khán giả xem trận Man City - Real Madrid tại Los Angeles.
Giá vé xem International Champions Cup không hề rẻ: từ 240 USD đến 3.500 USD, cho trận Barcelona - Real Madrid. Người ta thậm chí sẵn sàng trả 20 - 30 USD cho một chỗ đậu xe, chỉ để xem các đội bóng... tập. Có hơn 35.000 cổ động viên đến xem các buổi tập của Barcelona và Real.
Mỹ chỉ là một trong ba nước đồng tổ chức các trận đấu của giải International Champions Cup (ICC) 2017. Hai nước kia là Trung Quốc và Singapore. Gọi là "giải", nhưng đấy thực chất là một serie các trận giao hữu giữa 15 CLB mạnh nhất châu Âu. Đây đã là lần thứ 5 liên tiếp, người ta tổ chức giải giao hữu thường niên này, với mức độ thành công của năm sau luôn cao hơn năm trước. Và khi serie 2017 kết thúc, từ giới kinh doanh đến các nhà chuyên môn trong bóng đá đỉnh cao phải đồng loạt thừa nhận ý tưởng đặc sắc của "loại hình bóng đá giao hữu" mới mẻ này.
"Các CLB hàng đầu thế giới phải nhận ra rằng nếu đứng chung với nhau, họ càng lớn hơn là đứng riêng rẽ". Đấy là lý giải của Charlie Stillitano - chủ tịch tập đoàn Relevent Sports, tổ chức đã khai sinh hệ thống ICC vào năm 2013. Ông bình luận: "Trước đây, các đội bóng lớn thường không đá giao hữu với nhau. Giới điều hành bóng đá giờ đã phải thay đổi suy nghĩ ấy".
 
ICC thành công nhờ có sự tham gia của các đội bóng lớn như Real Madrid và Barcelona AFP
Đấy chính là chỗ độc đáo mà ngay cả những ai từng xem bóng đá là ngành kinh doanh chứ không còn là môn thể thao đơn thuần, trước đây cũng lưu ý. Giới kinh doanh đều thuộc lòng nguyên tắc "cá lớn nuốt cá bé". Bất kể là ngành nghề nào, khi đã kinh doanh thành công, bạn sẽ có xu hướng "nuốt chửng" những đối thủ cạnh tranh để độc chiếm thị trường. Ngành kinh doanh bóng đá hóa ra lại có nguyên tắc ngược lại. Giả sử M.U thật sự "vô đối" và các đội bóng xung quanhđều suy yếu đến mức sụp đổ, M.U sẽ đá với ai? Mà nếu không có đối thủ cân sức để cùng trình diễn, chính M.U cũng sẽ "tự diệt".
Relevent Sports tổ chức thành công hệ thống giao hữu ICC nhờ nguyên tắc kỳ lạ này: bóng đá bây giờ là ngành kinh doanh bộn bạc, nhưng bóng đá lại là ngành kinh doanh khác biệt hoàn toàn với mọi ngành kinh doanh thông thường. Năm ngoái, mỗi đội dự ICC (tức đá vài trận trong hệ thống giao hữu này) kiếm được từ 10 - 18 triệu USD, tương đương việc tham dự vòng bảng Champions League. Năm nay, số tiền phải tăng ít nhất gấp rưỡi! Giới điều hành bóng đá chóp bu (ví dụ như các quan chức UEFA) xoa tay: có ICC rồi, chẳng ai còn quan tâm đến khai niệm "Super League" nữa. Hàng chục năm qua, giải Champions League của UEFA luôn bị đe dọa bởi ý tưởng các CLB lớn tự tách khỏi UEFA để tổ chức giải "Super League" cho riêng họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.