'Vũ khí đáng sợ' nhất của tuyển Nhật Bản: Sự kiên nhẫn đến lạnh lùng

Giang Lao
Giang Lao
22/01/2019 14:18 GMT+7

Theo chuyên gia bình luận Alaric Gomes của tờ Gulf News (UAE) đánh giá, tuyển Nhật Bản không chỉ mạnh toàn diện mà nay còn trở nên đáng sợ bởi “vũ khí” sự kiên nhẫn đã bóp nghẹt mọi nỗ lực của Ả Rập Saudi ở trận vòng 16 đội Asian Cup 2019.

[VIDEO] NHẬT BẢN "ĐÁNG SỢ" NHƯ THẾ NÀO?
Cả Nhật Bản và Ả Rập Saudi đều dự World Cup 2018, rõ ràng đây là hai “ông lớn” của bóng đá châu Á lâu nay nên cuộc gặp giữa 2 đội được kỳ vọng sẽ diễn ra một trận cầu mãn nhãn.
Thế nhưng, theo ông Alaric Gomes: “Đó chỉ là một trận đấu quá nặng nề về chiến thuật và toan tính, nhất là đội Nhật Bản đã chơi thứ bóng đá lạnh lùng đến khó tin. Khác những gì họ từng phô diễn ở World Cup 2018”.
Cũng theo Alaric Gomes: “Việc tuyển Nhật Bản chấp nhận nhường sân để Ả Rập Saudi chiếm mọi không gian trước vòng 16m50, và tổ chức phòng ngự chặt, bắt người “dính như sam”, đã khiến đối thủ Tây Á này lâm vào bế tắc hoàn toàn dù nắm giữ thời gian kiểm soát bóng vượt trội (hơn 70%)”.
Cây bút thể thao của nước chủ nhà UAE này cũng cho rằng, không ngờ Nhật Bản đã chọn lối chơi “nhàm chán” như vậy để đối phó với Ả Rập Saudi. Nhưng theo giải thích của HLV Hajime Moriyasu (Nhật Bản): “Ả Rập Saudi là đối thủ rất khó nhằn và chúng tôi phải chơi thật kiên nhẫn để tìm cơ hội mới vượt qua họ với bàn thắng duy nhất. Hơn nữa, chúng tôi còn giữ sạch mảnh lưới nhà. Đây là điều rất quan trọng, vì ở vòng bảng chúng tôi đã thủng lưới tới 3 bàn, trong khi tại vòng knock-out nếu để lọt lưới sẽ trả giá đắt kinh khủng.
Theo tôi, mọi đối thủ đến vòng knock-out này đều rất mạnh. Giờ chúng tôi sẽ có 2 ngày nghỉ để hồi phục và chuẩn bị thi đấu trận tứ kết với Việt Nam (VN) - diễn ra lúc 20 giờ, ngày 24.1 tới, trên sân Al Maktoum ở Dubai”.
Chỉ cần 1 cơ hội là Nhật Bản (áo xanh) ghi bàn hạ Ả Rập Saudi AFC
Cũng theo ông Moriyasu: “Chúng tôi cần sự chắc chắn, nên thi đấu một cách kiên nhẫn là chìa khóa cơ bản nhất để giành chiến thắng. Tại vòng knock-out, không thể để bất cứ sai lầm nào xảy ra. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng muốn tạo nhiều cơ hội, chơi tấn công nhưng cũng phải từng đối thủ mà tính toán chiến thuật thi đấu. Tóm lại, tôi cẩn trọng vì không muốn có bất cứ sai lầm nào xảy ra”.
Sự chắc chắn của Nhật Bản rõ ràng là rất khó khăn cho đối thủ tiếp theo là tuyển VN, giữa lúc Ả Rập Saudi là đội chơi có tốc độ và kỹ thuật hoàn hảo, cũng như kinh nghiệm dày dạn nhưng đã bất lực trước hàng thủ Nhật Bản với các cầu thủ chơi bóng ở các giải hàng đầu tại châu Âu như Maya Yoshida (Southampton, Anh), Yuto Nagatomo (nhiều năm khoác áo Inter Milan ở Ý và nay là Galatasaray tại Thổ Nhĩ Kỳ) hay Takehiro Tomiyasu (đang chơi ở Bỉ), còn Hiroki Sakai đang khoác áo CLB Marseille (Pháp).
Hàng thủ Nhật Bản với trung vệ Maya Yoshida, thủ quân, chơi rất kín kẽ AFC
Tuy nhiên, tuyển Nhật Bản không phải là không có điểm yếu, đó là thủ môn Shuichi Gonda chơi không chắc chắn. Trận ra quân với Turkmenistan, thủ môn này đã mắc lỗi dẫn tới bàn thua mở tỷ số. Tương tự là trận gặp Uzbekistan cũng ở vòng bảng (lượt cuối). Dù vậy 2 trận này, sau đó Nhật Bản ngược dòng thắng lại lần lượt 3-2 và 2-1.
Theo các bình luận viên của kênh FOX Sports như Gabriel Tan, Nhật Bản quá mạnh nhưng không phải là tối thượng. Hơn nữa, tiền đạo số 1 Yoshinori Muto của Nhật Bản cũng vắng mặt vì thẻ phạt. Trong khi, tuyển VN chẳng có gì để mất và cần chơi với tất cả khả năng của mình như từng khiến Jordan phải “ôm hận”, thì không chuyện gì là không thể xảy ra.
[VIDEO] ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ VAR TRONG TRẬN VIỆT NAM - NHẬT BẢN
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.