1 ngày trước trận U.20 Việt Nam - U.20 Honduras: Không thể giận... ở Jeonju!

27/05/2017 15:25 GMT+7

Jeonju là thành phố cổ kính, thủ phủ của tỉnh Jeonllabuk. Nếu di chuyển bằng xe buýt từ thủ đô Seoul, bạn cần phải trải qua quãng đường gần 200 km nhưng phần lớn lộ trình đều đi trên các trục lộ cao tốc với tốc độ trung bình 80 km/giờ, nên chỉ sau khoảng 3 tiếng quang cảnh Jeonju đã xuất hiện trước mắt...


[VIDE]: CẢM NHẬN VỀ JEONJU - Thực hiện: Trần Tuấn Anh
Nét đặc trưng nơi đây là những ngôi nhà xây dựng theo kiểu kiến trúc phong kiến Hàn Quốc. Âu cũng có lý do, Jeonju chính là nơi khởi nguồn của vương triều hùng mạnh Joseon với hơn 500 năm cai trị vì bán đảo Triều Tiên, kéo dài từ cuối thế kỷ 14 cho đến những năm đầu thế kỷ 20.
Sáng ngày 27.5, đội tuyển U.20 Việt Nam thông báo hủy tập, nhận tin này từ anh Nhật Đoàn - cán bộ truyền thông của đội, tôi quyết định chuyển hướng đề tài. Không làm khai thác thông tin về đội tuyển U.20, hay là mình dành vài tiếng đi thăm thú Jeonju? Nghĩ làm làm, tôi nhanh chân ra phố trong sự háo hức và thấy mình may mắn. Hôm nay có nắng đẹp, chụp ảnh quay phim thích phải biết.
Cung điện cổ xưa tráng lệ vẫn còn đó nhưng nó chẳng còn phục vụ cho một cá nhân nắm quyền lực cao nhất. Thay vào đó, chỉ cần 3.000 won, tức vào khoảng 60.000 đồng Việt Nam, ai cũng có thể vào tham quan phố cổ Hanok và hít thở bầu không khí chỉ thấy được trong phim cổ trang xứ Hàn.
Các cô gái Hàn Quốc trong bộ Hanbok truyền thống Độc Lập
Các cô gái Hàn Quốc trẻ trung, làn da mịn màng trắng muốt, nhoẻn miệng cười chụp ảnh selfie, xúng xính bộ Hanbok cầu kỳ. Rồi những cặp đôi hoài cổ thích chụp ảnh cưới theo phong cách truyền thống cũng tìm về Jeonju để thỏa mãn ước nguyện. Nhìn chung giới trẻ Hàn Quốc khá giữ kẽ và ít chịu giao tiếp bằng tiếng Anh. Tôi cứ hỏi thăm hết người này đến người khác. Nào là “ù-pa” - anh, “nu-na” - chị hay “a-ga-si” - em gái... nhưng hầu như chỉ được đáp lại bằng cái lắc đầu lịch sự và nụ cười hiền hậu. Ai cũng cười nhẹ từ chối nên tôi không thể giận hay suy diễn rằng thanh niên Hàn Quốc không thân thiện. Chỉ thầm nghĩ họ đang bận rộn, họ không muốn nói tiếng Anh hoặc họ không muốn tiếp xúc với người lạ...
Mãi sau tôi mới may mắn gặp 1 gia đình Hàn Quốc chịu cởi mở, cô con gái tầm hơn 20 tuổi dẫn ba mẹ đi dạo cuối tuần. Cô nói được 1 chút tiếng Anh và cho hay cả nhà thích thăm thú phố cổ Hanok để thư giãn sau 1 tuần làm việc đầy tập trung. Người mẹ thì cho hay, bà từng sang Việt Nam du lịch, thấy quý mến con người Việt Nam và còn nói “Cảm ơn” bằng tiếng Việt lúc chia tay. Thật tiếc gia đình này không muốn tiết lộ danh tính với phóng viên, thay vào đó họ đồng ý cho chúng tôi chụp ảnh. Kể cũng lạ...
Gia đình người Hàn Quốc này từng đến Việt Nam du lịch Độc Lập
Người Hàn Quốc no nê bóng đá với giải K-League có chất lượng hàng đầu châu Á vẫn đang diễn ra mỗi cuối tuần. Đội tuyển quốc gia của họ nhiều lần dự World Cup, nên kể cả khi đội tuyển U.20 có thi đấu rất tưng bừng, fan hâm mộ xứ Kim chi vẫn dửng dưng.
Khán đài chưa bao giờ kín kể cả khi U.20 Hàn Quốc thi đấu với các đối thủ chung bảng A. Thấp thoáng đâu đó mới thấy vài băng-rôn quảng bá thông tin về vòng chung kết World Cup U.20 2017. Người ta chỉ thấy quý trọng khi thiếu thốn, câu này chẳng sai chút nào. Bởi lẽ, trận đấu vào chiều mai 28.5 khi U.20 Việt Nam đối đầu U.20 Honduras, chắc chắn khán đài Jeonju sẽ rất rộn ràng. Dự đoán, sẽ có hàng ngàn CĐV Việt Nam phủ kín chỗ ngồi. Chủ nhật mà, người lao động, du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc được nghỉ ngơi, họ dành trọn chiều cuối tuần để cổ vũ cho đội bóng quê nhà, vì nghĩa đồng bào, vì tình yêu dành cho tổ quốc. Vé tàu điện, vé xe buýt đi Jeonju lúc này rất khó mua vì đã có được đặt trước, vé vào sân mua qua mạng internet cũng được “book” gần hết. Tin tôi đi, khán đài Jeonju sẽ rực tươi màu đỏ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.