Bóng đá Việt Nam thương tiếc người thầy lớn Karl Heinz Weigang

14/06/2017 08:03 GMT+7

Thông tin từ Đức cho biết, người thầy nước ngoài gây dấu ấn đặc biệt với bóng đá Việt Nam thời kỳ đầu hội nhập là ông Karl Heinz Weigang đã qua đời, thọ 82 tuổi.

Tin ông Weigang mất khiến giới hâm mộ bóng đá Việt Nam (VN) không khỏi bàng hoàng. Bởi với những gì mà bóng đá VN gầy dựng được cho đến giờ, nói không quá có công sức không hề nhỏ của ông thầy người Đức nhiều cá tính này.

Dấu ấn mà ông Weigang để lại dĩ nhiên là ngôi vô địch Merdeka 1966 với thế hệ của Phạm Huỳnh Tam Lang, Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Văn Mộng, Võ Bá Hùng… và chiếc huy chương bạc SEA Games lịch sử năm 1995 tại Chiangmai (Thái Lan) với thế hệ Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Trần Công Minh, Đỗ Khải, Trần Minh Chiến. Không chỉ vậy, ông còn là người giỏi liệu pháp tâm lý và lên kế hoạch.
HLV Vũ Tiến Thành, một trong các trợ lý cũ của ông, bồi hồi nói về vị HLV người Đức: “Đó là một nhà cầm quân đúng nghĩa, manager như trong bóng đá Anh mà chúng ta thường thấy, nghĩa là ông chu đáo mọi việc, từ quản lý đến chỉ đạo chiến thuật, từ bài binh bố trận cho một trận đấu, một giải đấu cho đến sắp xếp công việc cho cả một giai đoạn huấn luyện dài hết sức chỉn chu và khoa học. Trong từng trận đấu, ông luôn ra sát đường biên hò hét chỉ đạo rất kịp thời và kích thích tinh thần cầu thủ bằng những động tác khơi dậy nhiệt huyết và khát vọng chiến thắng.
Trong huấn luyện, ông ít khi đưa ra các bài tập đơn điệu mà luôn chia đôi đội hình thi đấu từ sân nhỏ đến sân lớn, luôn tạo cho cầu thủ khả năng tranh chấp liên tục, va chạm để xóa đi sự tự ti và tăng niềm tin chiến thắng. Chính ông còn thể hiện sự thương yêu cầu thủ VN khi đã tự tìm cách đưa Hồng Sơn và Minh Chiến đi Đức để chữa đầu gối. Chúng tôi học được ở ông khá nhiều về cách làm việc, nhất là lấy thi đấu để rèn luyện và ông đã tạo nhiều ảnh hưởng cho thế hệ HLV tài năng hiện nay như Hữu Thắng, Huỳnh Đức, Đức Thắng, Văn Sỹ...”.
Tràn đầy năng lượng làm việc, được người hâm mộ khắp nơi thương yêu quý mến, nhưng ông Weigang lại không được lòng một số quan chức bóng đá VN trong những năm 1995 - 1996, vì vậy ông chỉ làm việc chưa đến 2,5 năm thì buộc phải ra đi. Đỉnh điểm của sự va chạm dữ dội này là Tiger Cup 1996 tại Singapore khi LĐBĐ VN và một số thành viên ban huấn luyện người Việt lúc đó đã tìm cách gây khó khăn hoặc không tạo điều kiện tốt nhất cho ông làm việc, thậm chí còn chỉ trích ông chỉ là người làm thuê, không được có tiếng nói quyết định với đội tuyển và đã bỏ phiếu bất tín nhiệm ông. Sự đối xử không công bằng đó của LĐBĐ VN với ông Weigang đã gây bức xúc trong dư luận. Báo Thanh Niên khi đó đã có loạt bài Có hay không sự đối xử bất công với HLV Weigang với 8 kỳ cộng với bài phỏng vấn Tổng thư ký LĐBĐ VN Trần Bảy đã gây tiếng vang lớn, góp phần lấy lại sự công bằng cho ông Weigang.
Một người nước ngoài đã mang lại niềm vui và hạnh phúc ngất ngây cho hàng triệu người Việt, đã mang lại ánh sáng cho bóng đá VN thời kỳ mở cửa đó, xóa đi những năm dài bóng đá lạc hậu, nhưng lại nhận nhiều cái nhìn thiếu thiện cảm từ phía quan chức LĐBĐ VN. Chúng tôi còn nhớ đầu năm 1997 khi cùng đội tuyển VN dự Dunhill Cup tại Malaysia, ông Weigang trong lúc trà dư tửu hậu đã nói với chúng tôi, có HLV Dương Ngọc Hùng và Vũ Tiến Thành chứng kiến, rằng: “Tôi không thể chịu đựng nổi cách làm của những người quản lý bóng đá VN. Họ trì trệ và luôn cho mình là số 1, rất khó chịu khi nghe những ý kiến góp ý thẳng thắn. Vậy thì tôi phải tìm cho mình chọn lựa thôi”.
Vài ngày sau chúng tôi biết ông đã ký hợp đồng với CLB Perak (Malaysia) và chính ông sau đó đã mời đội tuyển U.22 VN sau giải U.22 Báo Thanh Niên lần đầu tiên năm 1997 đi thi đấu tại Perak với mong muốn giúp lớp trẻ tài năng của bóng đá VN được cọ xát quốc tế nhiều hơn. Lứa U.22 năm đó do ông Nguyễn Lân Trung và Lê Hùng Dũng, đều là thành viên của Hội Liên hiệp thanh niên VN, cùng tôi và anh Lê Thành Giai đại diện Báo Thanh Niên, dẫn đi đã có 2 trận cọ xát bổ ích. Sau này, chính những cầu thủ này trở thành nòng cốt cho tuyển Olympic VN chơi hay tại Cúp Mùa đông tại Ý và vòng loại Olympic Sydney 2000.
Vĩnh biệt ông Weigang, một người đã truyền chất Đức với tinh thần mạnh mẽ, tính kỷ luật cao đến từng cầu thủ VN, giúp họ trở thành những tên tuổi lớn sau này. Quan trọng hơn, chính ông đã thổi bùng ngọn lửa đam mê và mang lại nhiều tình cảm thân thương cho người hâm mộ bóng đá VN. Ông thực sự là người thầy, người bạn lớn của bóng đá VN. Những gì ông đã làm cho bóng đá VN mãi mãi không bao giờ phai.
Không chỉ dẫn dắt đội tuyển VN, ông Weigang còn là HLV trưởng của 4 đội tuyển QG khác gồm Mali (1970 - 1973), Ghana (1974 - 1975), Malaysia (1979 - 1982) và Gabon (1989 - 1994). Sau khi chia tay bóng đá VN, ông vẫn làm việc ở Malaysia cho 3 CLB, trong đó có Perak.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.