Phân công trọng tài V-League: Ban trọng tài sai, VPF gánh trách nhiệm

02/03/2017 15:01 GMT+7

Kể từ vòng 9 V-League 2017, quy trình phân công trọng tài sẽ có sự khác biệt đáng kể so với 8 vòng trước đó, mà cụ thể là Ban trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ phải ‘đối đầu’ với tổ phản biện trước khi danh sách trọng tài được đưa sang VFF phê duyệt.

Quy trình “truyền thống” chỉ có hai nấc khá đơn giản: Ban trọng tài lập danh sách trọng tài trước mỗi vòng đấu, rồi chuyển thẳng sang cho ông Lê Hoài Anh - Tổng thư ký VFF ký xoẹt một cái là xong.
Mà ông Hoài Anh bận trăm công nghìn việc ở VFF, sao có thể sâu sát được việc hay, dở của trọng tài, nên chữ ký của ông trên thực tế, chỉ mang tính hình thức là chính, chứ về bản chất, danh sách mà Ban trọng tài đã đưa sang thì coi như là bản chuẩn, cứ thế mà làm, không ai dám chỉnh sửa gì!
Còn bây giờ, đừng hòng chỉ được đơn giản đến thế. Sai sót triền miên của một số trọng tài yếu tay nghề ở suốt 7 vòng đấu vừa qua khiến dư luận sôi sùng sục. Và Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) như ngồi trên đống lửa và ở cuộc họp gần đây nhất, đã quyết định nâng quy trình lên mức phức tạp hơn, mà vẫn không vi phạm quy định của FIFA.
Ông Mùi chạnh lòng, VPF lên tiếng trấn an kêu gọi sự hợp tác
Quy trình mới sẽ như sau: Ban trọng tài gồm 5 thành viên vẫn đề xuất danh sách dự kiến, ông Nguyễn Văn Mùi – trưởng Ban trọng tài ký. Nhưng không đưa thẳng sang cho ông Lê Hoài Anh mà bắt buộc phải mang ra thảo luận tổ. Tổ thảo luận (hay nói chính xác là tổ phản biện) của VPF gồm 3 thành viên: Ông Phạm Ngọc Viễn – Phó chủ tịch Hội đồng quan trị VPF, ông Cao Văn Chóng – Tổng giám đốc VPF và ông Nguyễn Minh Ngọc – Trưởng ban tổ chức giải. Sau đó, mới chuyển đến tay lãnh đạo VFF phê duyệt lần cuối.
Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc nằm trong tổ phản biện Khả Hòa
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng nhấn mạnh, quy trình này nhằm tạo sự công bằng, công khai hơn trong công tác quản lý, phân công trọng tài. Trong trường hợp, Ban trọng tài vẫn đề xuất các trọng tài mắc sai sót hoặc không an toàn làm nhiệm vụ, VPF có quyền không sử dụng trọng tài này trong trận đấu tới (thậm chí ở phần còn lại của mùa giải hoặc treo còi vĩnh viễn tại các giải đấu do VPF quản lý, tổ chức và điều hành). Ở một số trường hợp khẩn cấp, tổ trọng tài hoặc trọng tài chính có thể sẽ bị điều chuyển hay dừng công việc ngay trong buổi sáng trước khi trận đấu diễn ra vào chiều.
Trên báo chí, khi được thông tin sự thay đổi quy trình này, trưởng Ban trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi có vẻ chạnh lòng. Ông bảo, như thế là VFF, VPF làm sai nguyên tắc của điều lệ giải và quy định của FIFA.
Nhưng một lãnh đạo VPF cho hay: “Có trường hợp phát hiện ra trọng tài sai sót lượt trước mà vẫn được làm nhiệm vụ ngay trận sau, chúng tôi biết mà vẫn phải “cắn răng” chịu vì danh sách được VFF ký rồi, không cãi được. Nếu cứ để tình trạng ấy tiếp diễn thì V-League sẽ nát mất. VPF phải tự giải cứu lấy mùa giải, và dĩ nhiên cách “cải tổ” của chúng tôi vẫn phải đảm bảo đúng quy định của FIFA mà vẫn có sự thay đổi uyển chuyển, làm sao cho công tác trọng tài tốt hơn lên.
Chúng tôi không xé luật. Vì quy trình vẫn giữ gần như nguyên vẹn hai khâu quan trọng nhất là khâu Ban trọng tài để xuất và lãnh đạo VFF phê duyệt cuối cùng. Chỉ có thêm khâu trung gian mà thôi. Mà như thế, FIFA không cấm.

tin liên quan

Trưởng giải V-League nhận sai và nhà dột từ nóc
Ông trưởng ban tổ chức V-League Nguyễn Minh Ngọc đã thừa nhận mình sai ở sự cố trên sân Thống Nhất chiều 19.2 cũng là một phần nguyên nhân gây ra 'thảm cảnh' cười ra nước mắt khiến cả làng bóng thế giới ngao ngán.
Mà nói thật là tổ phản biện chẳng ham hố gì việc nhúng tay vào, nếu Ban trọng tài làm tốt và trọng tài ít sai sót, chúng tôi cũng chẳng cần phản biện làm gì. Nhưng trước tình cảnh giải đấu ngày càng tệ hơn, nhất là công tác trọng tài, những nhà tổ chức giải như chúng tôi không thể cứ mãi khoanh tay đứng nhìn. Chúng tôi cũng là thành viên của VFF, hội đồng quan trị VPF có nhiều thành viên là uỷ viên ban chấp hành VFF, nên chúng tôi biết phải hành động thế nào để không vi phạm quy chế.
Ban trọng tài phải thấy được yếu kém của mình và cùng phối hợp để khắc phục chứ không thể máy móc lấy quy chế ra làm bình phong với kiểu làm cũ kỹ không hiệu quả như thế mãi được”.
Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh nhấn mạnh: "Đây là đề xuất từ phía VPF với mục đích hỗ trợ cho Ban trọng tài, góp phần tăng tính hợp lý, khách quan, minh bạch chứ không hàm nghĩa trực tiếp can thiệp vào công tác phân công trọng tài".
Chủ tịch VPF sẽ trở thành ‘trọng tài’
Câu hỏi được đặt ra ở đây là, nhiều “cấp” phê duyệt như thế, vậy cấp nào sẽ chịu trách nhiệm trước người hâm mộ, các CLB, lãnh đạo ngành nếu không may sự cố về trọng tài vẫn xảy ra.
Lãnh đạo VPF cho hay, VPF có vai trò phản biện thì bắt buộc phải gắn liền với trách nhiệm và chịu trách nhiệm, chứ không phải phản biện xong là phủi tay đứng dậy.
Trong trường hợp danh sách đề xuất không vấp phải sự phản đối nào của tổ phản biện VFF, mà trọng tài vẫn sai sót thì cả Ban trọng tài với 3 thành viên của tổ phản biện đều phải chịu trách nhiệm (hình thức này nhằm tăng tính trách nhiệm của tập thể, không né tránh, không đùn đẩy – lời của quan chức VPF).
Người hâm mộ mong chờ V-League không còn hình ảnh xấu xí Độc Lập
Trường hợp, trọng tài đã được thay đổi theo đề nghị của tổ phản biện, mà cũng vẫn sai sót thì trách nhiệm chính lại thuộc về tổ phản biện còn Ban trọng tài vô can.
Trường hợp, ông Nguyễn Văn Mùi là người ký danh sách “nước một” và một trong 3 thành viên của tổ phản biện cùng ý kiến, hai người còn lại của tổ phản biện lại chung ý kiến khác (nghĩa là tỷ lệ 50 – 50, bất phân thắng bại) thì chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng sẽ trở thành “trọng tài”, đưa ra phán quyết là đứng về “phe” nào. Sau đó, danh sách “nước hai” sẽ được chuyển cho VFF phê duyệt. Nếu trọng tài của “phe” mà ông Thắng đã đồng ý, để xảy ra sai sót, người chịu trách nhiệm chính là ông Thắng chứ không ai khác.
VPF cố gắng sẽ làm đúng quy trình. Nhưng thành bại của quy trình này, phải đợi thời gian trả lời!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.