U.23 Việt Nam vào tứ kết châu Á: Kết tinh bao bài học xương máu

20/01/2018 14:23 GMT+7

Không phải vô cớ Bầu Đức khẳng định không thể chỉ một cá nhân hay một CLB có thể hát bài ‘tình đơn phương’ nếu muốn bóng đá Việt Nam ra biển lớn với vị thế và sức mạnh đường hoàng.

“Xưa có mình HAGL làm buồn tẻ lắm, hát bài “tình đơn phương” không đóng góp nổi. Nhưng với xu thế trăm hoa đua nở như lúc này thì về lâu dài bóng đá Việt Nam sẽ tốt hơn nữa.
Nâng tầm các đội tuyển thì không có một cá nhân hay đơn phương nào có thể làm được. Phải là các CLB, trung tâm kiên trì vì bóng đá “vô tư, vô tận” đóng góp cho các đội tuyển.
Phải tập hợp được những Mạnh Thường Quân, tiếp tục giữ “sạch” cho các đội tuyển, chung tay với các CLB…, nhiều yếu tố lắm.
Hà Nội và HAGL có đông quân nhất trên U.23 Việt Nam đơn giản vì ưu tiên trẻ hóa trước tiên nên gặt hái sớm. Thêm những đơn vị khác cũng đầu tư như vậy thì ta có thêm bao nhiêu tài năng nữa, đội tuyển sẽ có tính cạnh tranh cao như thế nào?”, bầu Đức chia sẻ.
Bầu Đức là người tiên phong trong công cuộc dẹp bỏ nghịch lý “xây nhà từ nóc” của bóng đá Việt Nam, khi bạt rừng cao su, mời Arsenal và JMG đến Hàm Rồng để vun xới lại, chăm bẵm cho phần gốc rễ là đào tạo trẻ.
Ở Hà Nội, bớt ồn ào hơn bầu Hiển cũng làm bóng đá trẻ theo cách của riêng mình. Từ đó các đội tuyển quốc gia Việt Nam vài năm qua bắt đầu hưởng lợi thấy rõ.
Thành tích có 6 đội tuyển bao gồm U.16, U.19, U.23 nam, đội tuyển nam và nữ quốc gia và futsal nam lọt vào vòng chung kết châu Á là minh chứng hơn vạn lời nói.
Thành tích đó, cùng với đỉnh cao World Cup U.20 hay bây giờ là tứ kết U.23 châu Á cho thấy sự phát triển sâu dày có tính nối tiếp thay vì đậm tính “cầu may” đơn lẻ, ngẫu nhiên ngày xưa.
Bầu Đức đã chính xác khi đặt niềm tin vào người có kinh nghiệm World Cup dày dạn như HLV Park Hang-seo Ngọc Linh
VFF đột phá tư duy khi kiên định thuê những chuyên gia nước ngoài như Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede, HLV thể lực Martin Forkel, các bác sĩ Pablo Sawicki… bất chấp phải đối mặt với “hóa đơn” lên đến 70 tỉ đồng một năm vì… nhiều đội tuyển dự giải châu Á quá.
Từ những ngày đầu những chuyên gia ngoại đó để lại dấu ấn và đóng góp rất rõ nét. Chẳng hạn, ít ai để ý là từ khi có ông Jurgen Gede các tuyển trẻ luôn có thành tích rất cao và ổn định.
Ở mặt xã hội hóa, nhà tài trợ đội tuyển VPMilk quan tâm đóng góp theo cách của mình. U.23 Việt Nam đã có 3 trận đấu khắc nghiệt trước 3 ông lớn Úc, Hàn Quốc, Syria nhưng không có một cầu thủ nào bị chuột rút là ví dụ.
Giáo án của HLV Park Hang-seo cùng với thực đơn giàu dinh dưỡng và năng lượng, với 1.000 ml sữa IQLac Pro mỗi ngày tưởng là nhỏ, nhưng đã góp phần thay đổi tích cực thói quen ăn uống và chăm sóc sức khỏe bản thân của các ngôi sao trẻ.
Những chăm sóc về dinh dưỡng và thể lực đó, nay đem lại quả ngọt khi các cầu thủ có thể bình tĩnh hóa giải những đường tấn công với sức ép khủng khiếp của các đối thủ. Thậm chí, cầu thủ Hàn Quốc còn bị chuột rút khi gặp chúng ta.
Văn Toàn đi bóng trong trận gặp Syria, nơi chúng ta đã vượt qua 90 phút với sức ép mãnh liệt từ đối thủ Ngọc Linh
Mới đây, cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Tavares có phát biểu rất đáng suy nghĩ rằng đáng lý bóng đá Việt Nam phải cất cánh từ 20 năm trước.
Thực tế, tiềm năng của bóng đá Việt là điều ai cũng thấy, nhưng để khai phá là biết bao bài học xương máu, với những nỗi đau đến bây giờ vẫn chưa liên sẹo.
Nhưng ít nhất lúc này người hâm mộ luôn có niềm tin về các đội tuyển quốc gia “sạch”, có chuyên môn và dám bình tĩnh chơi bóng trước những ông lớn.
Bóng đá Việt vẫn còn rất nhiều vấn đề, nhưng sự khởi sắc là điều có thể thấy rõ. Mong rằng những cột mốc, kỷ lục liên tục bị xô đổ trong hơn 1 năm qua sẽ là động lực để VFF, các CLB, những người làm bóng đá… cầu thị, gắn kết và chung tay hợp tác với nhau nữa.
Vì như ông Ba Đức nói, nâng tầm 1 nền bóng đá thì không thể hát bài “tình đơn phương”, không một cá nhân hay phương thế lực nào có thể làm được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.