Vì sao các CLB Việt Nam ‘sợ’ ra biển lớn?

30/04/2018 08:21 GMT+7

Việc không còn bất kỳ một CLB nào của Việt Nam(VN) tại vòng knock-out khu vực Đông Nam Á AFC Cup 2018, trong khi Myanmar, Philippines, Indonesia, Singapore đều có đại diện, là một điều đáng buồn bởi trên thực tế, trình độ của các đội bóng của chúng ta không kém so với khu vực.

Việc không còn bất kỳ một CLB nào của VN tại vòng knock-out khu vực Đông Nam Á AFC Cup 2018, trong khi Myanmar, Philippines, Indonesia, Singapore đều có đại diện, là một điều đáng buồn bởi trên thực tế, trình độ của các đội bóng của chúng ta không kém so với khu vực.

Chỉ một mình Pape Omar nỗ lực không đủ kéo cả đội Thanh Hóa thiếu quyết tâm vào sâu. Ảnh: Khánh Vy
Các đội ngại tốn tiền, tốn thời gian ?
Ông Nguyễn Sỹ Hiển, Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia, phân tích: “Suốt từ năm 2009 đến giờ chỉ có Becamex Bình Dương lọt vào đến bán kết AFC Cup 2009 và SHB Đà Nẵng lọt vào tứ kết AFC Cup 2010. Còn sau đó thì thành tích các đội VN ở sân chơi này không thể làm chúng ta phấn khởi. Đến mức chúng ta đã có thể coi là “hiện tượng VN” tại AFC Cup được rồi. Năm nay, SLNA, Thanh Hóa đều bị loại ở vòng bảng. Theo tôi, năng lực chỉ là một phần, chủ yếu là do nhận thức. Các CLB VN vẫn coi trọng V-League hơn, còn chơi AFC Cup có thể họ thấy tốn tiền, tốn thời gian. Bản thân đội bóng cũng không có quá nhiều động lực khi không được Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) hỗ trợ nhiều về kinh phí mà phải tự lực cánh sinh”.
HLV Lê Thụy Hải bổ sung thêm: “Các doanh nghiệp đầu tư vào các CLB không thiếu tiền, cũng muốn tiếng vang xa ra nước ngoài. Nhưng chất lượng ngoại binh của các đội VN nhìn chung còn kém và cách tiếp cận với các trận đấu tại AFC Cup không thật quyết tâm. Hơn nữa như Thanh Hóa sân bãi lại không đủ điều kiện nên phải đi thuê sân tốn kém nên chẳng mặn mà. Nhiều trận cả Thanh Hóa lẫn SLNA chỉ tung những cầu thủ dự bị vào thì làm sao thắng nổi”.
Một lý do khác mà HLV Hoàng Thanh Tùng (Thanh Hóa) và Nguyễn Đức Thắng (SLNA) cho biết là dù được VPF sắp xếp lịch thi đấu hợp lý ưu tiên cho đấu trường châu lục nhưng cả hai CLB chỉ lúc đầu còn hăng hái giành những kết quả tốt, khi
V-League khởi tranh thì xuất hiện vài vấn đề như Thanh Hóa “hỏng” vụ thuê HLV ngoại, thành tích ở giải VĐQG đi xuống, còn SLNA lại “lẹt đẹt” phía dưới bảng xếp hạng nên cả 2 đội buộc phải buông AFC Cup để điều chỉnh con người, tập trung cho mặt trận trong nước.
VFF sẽ tính toán “bơm tiền” cho CLB
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch VFF: “VFF thường xuyên động viên các CLB khi ra châu lục phải chơi quyết liệt và VFF luôn hỗ trợ tối đa trong khâu tổ chức, điều hành, đối ngoại, sân bãi… Nhưng dù được AFC hỗ trợ tài chính, các CLB VN vẫn còn nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ phải tính toán giải pháp hỗ trợ cố định cho các đại diện VN dự các giải châu lục. Một phần nhỏ có thể từ nguồn kinh phí các giải chuyên nghiệp. Becamex Bình Dương năm 2009 khi vào bán kết AFC Cup nhận gần 1 tỉ đồng từ VFF. Nhưng hiện tại mức động viên vẫn chưa xây dựng thành quy định cố định. Đây là điều VFF sẽ phải tính toán cân nhắc”.
Ngoài chuyện kinh phí, theo ông Tuấn, điều quan trọng là các CLB khi bước ra sân chơi châu lục phải có lực lượng dày, đồng đều, có chiều sâu. Muốn vậy cần đầu tư hệ thống trẻ thật tốt vì nếu khâu đào tạo trẻ mà bền vững và chất lượng sẽ cung cấp được cầu thủ tốt cho CLB. Ông Tuấn nói thêm: “Trình độ chúng ta không kém nhưng các đội dự AFC Cup hay vướng phải tâm lý là thi đấu không tốt ở V- League thì ngay lập tức hụt hẫng luôn tại AFC Cup. Vấn đề này hiện vẫn gây nhức nhối cho bóng đá VN, khiến khán giả không vui. Sắp tới VFF sẽ phải có cuộc họp với các đội sẽ đại diện VN ra đấu trường châu lục để tìm hướng tháo gỡ, không thể để tình trạng này kéo dài gây ảnh hưởng không tốt đến niềm tin của người hâm mộ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.