Quần vợt VN nở rộ đào tạo trẻ

Hoàng Quỳnh
Hoàng Quỳnh
25/10/2018 18:52 GMT+7

Sau TP.HCM, Bình Dương đến lượt Tây Ninh, Đà Nẵng ra mắt Trung tâm đào tạo quần vợt theo mô hình chuyên nghiệp, hứa hẹn sản sinh nhiều tài năng trẻ theo đuổi quần vợt nhà nghề như Lý Hoàng Nam.

Tại giải quần vợt vô địch các lứa tuổi trẻ toàn quốc (VTF Junior Tour 4) khởi tranh hôm qua tại TP.HCM, ngoài VĐV của những chiếc nôi đào đạo truyền thống như TP.HCM, Bình Dương, Quân đội, có thêm lực lượng VĐV trẻ của 2 “tân binh” Tây Ninh, Đà Nẵng.
Tay vợt trẻ Nguyễn Đại Khánh của CLB Hải Đăng Tây Ninh Anh Thúy
Từ vùng trắng trên bản đồ quần vợt VN, Tây Ninh bắt tay làm quần vợt trẻ cách đây 6 tháng, xuất phát từ niềm đam mê của “ông bầu” Thái Trường Giang. CLB Hải Đăng Tây Ninh ra đời với sự trở lại của các cựu tuyển thủ quốc gia như Lâm Quang Trí, Bùi Trí Nguyên. Song song đó, CLB bắt tay vào công tác đào tạo trẻ, chiêu mộ được 16 VĐV dưới 18 tuổi. Các VĐV này được ăn, ở ngay tại CLB, được tạo điều kiện học văn hóa tại chỗ. CLB cũng thuê chuyên gia người Peru Ivan Miranda phối hợp cùng những HLV trẻ như Nguyễn Phi Anh Vũ, Lê Công Tiễn truyền dạy và tạo cơ hội thi đấu các giải trẻ quốc tế.
... và Đà Nẵng ảnh: Anh Thúy

Quần vợt VN có rất nhiều tài năng tiềm ẩn, cần có những môi trường và cách làm hiệu quả để làm nền tảng, bàn đạp cho VĐV tiến vào làng quần vợt nhà nghề thế giới
Ông Trương Quang Vũ, Giám đốc Trung tâm đào tạo quần vợt Đà Nẵng
“Chúng tôi liên tục tuyển chọn, sàng lọc những VĐV có đam mê và tố chất để đào tạo lâu dài. Những sự kiện quần vợt liên tiếp tại Tây Ninh như giải vô địch quốc gia, giải nhà nghề Vietnam F4 Futures, Vietnam F5 Futures với sự góp mặt của các tay vợt mạnh trên thế giới đã góp phần truyền cảm hứng đam mê cho các tay vợt cũng như phụ huynh các em để có thêm nhiều người đến với quần vợt.
Thành công của tay vợt quê Tây Ninh Lý Hoàng Nam ở các giải quần vợt nhà nghề cũng là cú hích giúp kích thích phong trào quần vợt tại địa phương đang có sự chuyển mình. Chúng tôi kỳ vọng đào tạo ra nhiều tay vợt khác tiếp bước Nam trong tương lai”, HLV CLB quần vợt Hải Đăng Nguyễn Phi Anh Vũ chia sẻ.
Trong khi đó, đầu tháng 10 vừa qua, trung tâm đào tạo quần vợt Đà Nẵng cũng chính thức ra mắt tại làng thể thao Tuyên Sơn với kinh phí được đầu tư 70 tỉ đồng. Giám đốc trung tâm cũng là cựu HLV tuyển quần vợt VN Trương Quang Vũ cho biết hiện có 36 VĐV trẻ đến từ Đà Nẵng, Sơn La, Thanh Hóa, Hà Nội.
Tay vợt nhí Cao Dương Phú của Becamex Bình Dương Anh Thúy
Tất cả VĐV đều ở lứa tuổi từ 14 trở xuống, được tuyển chọn tập luyện theo giáo án của Giám đốc kỹ thuật người Canada Dimitri Penchev, người có 10 năm kinh nghiệm trong công tác đào tạo trẻ. Với mục tiêu đào tạo VĐV chuyên nghiệp, trung tâm cho hầu hết VĐV tham dự các giải trẻ quốc tế từ năm 14 tuổi với lộ trình rõ ràng: 5 năm nữa sẽ có VĐV ít nhất nằm trong tốp 100 trẻ TG, góp mặt tại Grand Slam trẻ.
Tay vợt Võ Gia Thịnh của đội Hưng Thịnh TP.HCM Anh Thúy
“Khác biệt của trung tâm đào tạo quần vợt Đà Nẵng với các nơi khác là quan điểm đào tạo quần vợt không biên giới. Tức là VĐV ở bất kỳ đơn vị, địa phương nào cũng có thể được đào tạo tại đây nhưng vẫn có thể khoác áo thi đấu cho đơn vị, địa phương đó. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ miễn phí về chuyên môn. Quần vợt VN có rất nhiều tài năng tiềm ẩn, cần có những môi trường và cách làm hiệu quả để làm nền tảng, bàn đạp cho VĐV tiến vào làng quần vợt nhà nghề thế giới”, ông Vũ chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.