Kình ngư Mỹ trắng tay sau cú dựng vụ cướp giả ở Olympic Rio

25/08/2016 09:01 GMT+7

Kình ngư nổi tiếng Ryan Lochte đang đối mặt với nguy cơ mất tất cả trong sự nghiệp lẫn tiền bạc khi bị dư luận Mỹ và thế giới lên án kịch liệt sau vụ dựng vụ cướp giả ở Olympic vừa qua.

Cuối tuần trước, người hâm mộ Mỹ thực sự sốc khi hay tin cảnh sát Brazil tạm giữ kình ngư nổi tiếng Ryan Lochte và 3 đồng đội khác ngay tại sân bay Rio de Janeiro (Brazil) vì cho rằng các VĐV này đã dựng một vụ cướp giả trong dịp Olympic 2016. Lochte được xem là “đạo diễn chính” dàn dựng việc bị một số tên cướp giả dạng cảnh sát gí súng trấn lột tiền bạc tại một cây xăng ở Rio de Janeiro sau khi cùng đồng đội say xỉn rời hộp đêm hôm 13.8. Sau quá trình thẩm vấn, ngôi sao bơi lội 32 tuổi của Mỹ đã thừa nhận phóng đại sự việc trước khi được thả về nước.
Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như Lochte nghĩ. Người Mỹ đồng loạt lên án và tẩy chay kình ngư này vì không chấp nhận hành vi say xỉn, dối trá của một ngôi sao từng giành 6 HCV ở Olympic (trong đó có 1 HCV nội dung 4 x 200 m tự do tiếp sức ở Olympic 2016). Truyền thông Mỹ thậm chí còn gọi Lochte là “người Mỹ xấu xí”. Vì vậy, mặc dù đã gửi lời xin lỗi đến người hâm mộ và chính quyền Brazil, Lochte vẫn phải nhận trái đắng khi có thể mất tất cả, từ danh tiếng, sự ngưỡng mộ cho đến tiền bạc.
Ngay trong ngày đầu tuần này, 4 nhà tài trợ gồm Speedo, Ralph Lauren, Syneron Candela và Airwave thông báo cắt hợp đồng với Lochte, với lý do kình ngư này đã vi phạm điều khoản về đạo đức trong hợp đồng. Reuters cho hay, sự rút lui của 4 nhà tài trợ khiến kình ngư 32 tuổi mất xấp xỉ 15 triệu USD mỗi năm. Trong khi đó, trước sự lên án của dư luận thế giới, các nhà tài trợ lớn khác như Gillette, Mutual of Omaha, Nissan, AT&T và Gatorade cũng đang rục rịch cắt đứt hợp tác với Lochte.
Chưa hết, Lochte còn đối mặt với nguy cơ bị “tống cổ” khỏi đường đua xanh khi nhiều khả năng sẽ bị Ủy ban Olympic Mỹ (USOC) cấm thi đấu vĩnh viễn. “Chúng tôi sẽ có án phạt nặng đối với Lochte và 3 đồng đội Jimmy Feigen, Gunnar Bentz và Jack Conger về hành vi làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia”, Giám đốc điều hành của USOC Scott Blackmun tuyên bố. Trước phản ứng của USOC, Lochte cho biết bị cấm thi đấu dài hạn sẽ là một tổn thương rất lớn vì anh mong muốn duy trì sự nghiệp thêm 4 năm nữa. “Tôi thà bị bỏ tù, đi cải tạo còn hơn bị cấm dự Olympic”, Lochte nói.
Thể thao Mỹ luôn gìn giữ hình ảnh của mình đối với những trường hợp VĐV có scandal. Olympic 1988, kình ngư Troy Dalbey đã bị trục xuất về nước, đình chỉ thi đấu các sự kiện quốc tế trong 18 tháng vì lén mang bức tượng đầu sư tử bằng đá cẩm thạch ra khỏi khách sạn ở Seoul, Hàn Quốc. Năm 2014, Michael Phelps bị cấm thi đấu 5 tháng và cấm dự giải vô địch bơi lội thế giới năm 2015 do lái xe trong tình trạng say xỉn.                                                                                              T.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.