Lớp học thôn quê đào tạo VĐV cầu lông cấp quốc gia

26/05/2016 09:15 GMT+7

Ở một thôn quê của H.Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) có người thầy ngày ngày đào tạo cầu lông miễn phí cho các em nhỏ. Lò luyện cầu lông của ông là nơi cung cấp các vận động viên cầu lông cho đội tuyển tỉnh và quốc gia.

Tiếng thơm của HLV Phạm Văn Vũ (sinh năm 1960) và lò đào tạo vận động viên (VĐV) tiềm năng cho đội tuyển cầu lông quốc gia khiến chúng tôi tìm đến thôn Cầu Chính (xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang) để được gặp ông. Khi đến, chúng tôi thấy hơn 20 em nhỏ đã có mặt tại sân, cầu vợt sẵn sàng. Giữa sân, ông Vũ căng lưới để chia làm hai đội. Các vị trí đều được ông sắp xếp phù hợp với điểm mạnh của từng học trò. Sau bài khởi động đầu tiên, các em bắt đầu đánh cầu. Ai sai kỹ thuật, ông uốn nắn ngay. Ông Vũ cười: “Bây giờ ngày nào không có các cháu đến nhà là hai vợ chồng lại thấy thiếu thốn, buồn tẻ”.

Lò luyện nhân tài
Ông Vũ từng tham gia cuộc chiến tranh biên giới phía bắc bảo vệ Tổ quốc. Khi còn làm lính, ông mê thể thao, đặc biệt là môn cầu lông. Trở về đời thường, ông cũng từng tham gia các giải đấu thể thao của tỉnh, huyện. Về quê, thấy bọn trẻ trong làng gầy gò, ốm yếu, lại không có nhiều trò chơi, nên ông nung nấu ý định mở lò luyện tập cầu lông.
Mới đầu, việc dạy chỉ tập trung cho nhóm trẻ mê chơi cầu ở sân của thôn. Năm 1989, ông quyết định mở một sân cầu lông tại nhà mình để đón các cháu đến tập cùng. Vợt, cầu, nước uống đều do ông bỏ tiền phục vụ. Số người chơi tăng nhanh, ông Vũ đánh liều mở rộng sân vườn để làm sân tập theo đúng tiêu chuẩn. Những phụ huynh có con tập luyện rất cảm kích. Họ góp công sức, chỉ sau một tháng, sân tập cầu lông được hoàn thiện và đưa vào hoạt động.
Có sân tập rồi, nhưng tiền mua cầu, vợt khá ít, ông mua 10 bộ vợt cho các cháu tập luyện. Sau đó, ông lấy lông gà buộc lại, nẹp đế cao su và vỏ pin làm cầu cho các cháu chơi. Các cháu đi học, lại mang đến cho ông những nắm lông gà để ông tích trữ làm cầu. Về tài liệu, ông tự mày mò nghiên cứu, hướng dẫn các học trò, tạo mô hình CLB rất nền nếp, chất lượng, lúc cao điểm cũng có vài chục em tập mỗi ngày.

tin liên quan

Sức hút 'cầu lông tốc độ'
Đối với cầu lông (badminton) trong hệ thống chuyên nghiệp, sân thi đấu phải có lưới ngăn cách giữa hai đối thủ. Thế nhưng, có một “minton” khác là speedminton (cầu lông tốc độ) lại không dùng lưới và đang được nhiều người tập luyện vì... rất hợp hoàn cảnh của từng người.
Các cháu nhỏ tham gia lớp học ông không thu bất cứ loại phí nào, gia đình nào khá giả tự chuẩn bị cầu và vợt cho con em, còn không ông mua vợt và cầu cho các cháu học. Mấy năm gần đây, tỉnh Bắc Giang hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng để ông đào tạo các VĐV tiềm năng cho tỉnh.
Trưởng thành từ lò cầu lông dân dã của thầy Vũ, hiện có 4 VĐV ở đội tuyển quốc gia là Vũ Thị Hải Yến, Vũ Thu Trang, Nguyễn Thị Sen, Hà Thị Thu Thảo. Ngoài ra, có 1 VĐV đang theo học ở trung tâm đào tạo tài năng trẻ và 14 em đang ở lớp đào tạo tài năng của trung tâm TDTT tỉnh...
Kèm luôn dạy toán
Từ ngày có cầu lông, các học sinh háo hức tập luyện, nhưng ông Vũ lại thêm lo lắng chúng bỏ bê học hành. Ông nói, giờ mình đảm nhiệm huấn luyện thể thao mà lũ trẻ học hành sút kém thì mang tiếng lắm. Chơi cầu lông không chỉ đòi hỏi sự thông minh mà còn rèn luyện phát triển trí não.
Với phương châm thể thao tốt, văn hóa giỏi, lớp dạy toán song hành với lò cầu lông ra đời từ đó. Ngày ngày, trẻ em học buổi chiều ở trường thì ông dành buổi sáng để vừa học toán ở nhà, giờ giải lao ra chơi cầu lông và ngược lại. Thứ bảy, chủ nhật ông kiêm cả 5 lớp học, sáng dạy văn hóa, chiều dạy cầu lông.
Ông Vũ soạn giáo án riêng cho từng lớp, bắt đầu ôn cho các em nhỏ từ chương trình cơ bản đến nâng cao. Mỗi bài học, các em được học hai lần, một ở lớp, một ở nhà cho thuộc rồi mới bắt tay học nâng cao. Khác với các lò khác, chỉ dạy, nghiên cứu đại cương, lò ông Vũ dạy phương pháp từ thực tiễn, thiếu cái gì, yếu cái gì thì bù ngay, làm cho bằng được chứ không chỉ dạy một giáo án cơ bản.
Tiếng lành đồn xa, lớp toán của ông Vũ được nhiều người cho con đến học. Các phụ huynh thấy ông dạy miễn phí, nên hò nhau đóng thêm cho ông 200.000 đồng/tháng để trang trải cuộc sống, nhưng ông chỉ nhận học phí đối với học sinh không tham gia lớp cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.