Thể thao Việt Nam thiếu tiền tìm vé đi Olympic?

06/05/2019 00:00 GMT+7

Kinh phí hạn hẹp là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến mục tiêu giành vé đi Olympic Tokyo 2020 của thể thao Việt Nam gặp nhiều trở ngại lớn.

Bị siết chặt cơ hội

Mục tiêu mà ngành thể thao VN đặt ra hồi đầu năm là phấn đấu đoạt trên 20 vé dự Thế vận hội vào năm sau. Trong đó kỳ vọng vẫn tiếp tục được đặt vào nhà vô địch Olympic môn bắn súng Hoàng Xuân Vinh và một số VĐV điền kinh, thể dục dụng cụ. Ngoài ra cũng đang trông chờ vào một số môn đối kháng mà gánh nặng dồn lên vai các VĐV nữ, bởi ở đấu trường Olympic, đối với các hạng cân nặng của nam, VN gần như không có cửa. Tuy nhiên, mọi thứ đều không dễ dàng.
Hoàng Xuân Vinh vô địch 4 năm trước tại Olympic Brazil nhưng lần này đang gặp khó T.K
4 năm trước, đội tuyển vật VN giành được 2 suất dự Olympic 2016 là Nguyễn Thị Lụa và Vũ Thị Hằng. Nhưng năm nay, các cuộc tranh tài vòng loại Olympic môn vật khốc liệt hơn rất nhiều vì thay đổi hoàn toàn thể thức bốc thăm và xếp hạt giống.
Cựu vô địch châu Á Nguyễn Thị Lụa cho biết: “Olympic lần này bỏ hạng cân thế mạnh của VN là 48 kg. Tại các giải vô địch châu Á, thế giới, vòng loại Olympic, Liên đoàn Vật thế giới lại quyết định sẽ phân hạt giống tại từng bảng chứ không bốc thăm ngẫu nhiên như trước. Yếu tố may mắn sẽ gần như không có nữa mà phải dựa hoàn toàn vào năng lực của VĐV.
Ở vòng loại thế giới vào tháng 9 tới sẽ chỉ lấy 6 VĐV dự Olympic; ở vòng loại châu Á sẽ chỉ lấy 1, 2 VĐV đứng đầu, bên cạnh đó có thêm 2 vòng loại thế giới khác nhưng chỉ lấy 2 VĐV nhất, nhì. Tổng cộng chỉ có 20 vé đến Olympic và không xét vé vớt”.
Nguyễn Thị Lụa và Vũ Thị Hằng trao đổi với Trưởng đoàn Trần Đức Phấn tại Olympic Brazil T.K
Sự điều chỉnh về thể thức thi đấu cũng như siết chặt số lượng vé dự Olympic càng làm cánh cửa của VN thu hẹp lại. Đội tuyển vật còn phải đối mặt với một thách thức nữa mang tên “kinh phí”. Không dư dả tiền nong, ban huấn luyện phải “liệu cơm gắp mắm”, không thể cho các VĐV đi tập huấn nước ngoài và cũng không thể dự nhiều giải vòng loại như ý muốn.

Đi đường vòng

Môn karate cũng hy vọng vào 2 VĐV nữ gồm Nguyễn Thị Ngoan (61 kg) và Nguyễn Thị Phương (nội dung kata biểu diễn). Nhưng nói như ông Vũ Sơn Hà, Trưởng bộ môn karate Tổng cục TDTT: “Toàn thế giới chỉ chọn ra 80 VĐV thi đấu 8 hạng cân tại Olympic. Ở nội dung biểu diễn cũng vậy. Ngoan và Phương sẽ không dễ dàng khi tích lũy trận mạc quốc tế chưa nhiều, trong khi đối thủ ngày càng mạnh lên”.
Kinh phí rót cho karate còn ít nên bộ môn phải xoay xở tìm thêm các nguồn lực khác giúp các VĐV có thêm dịp cọ xát ở các giải đấu quốc tế. Như giải vô địch Đông Nam Á 2019, VN dự 120 thành viên nhưng Tổng cục TDTT chỉ đủ tiền cấp cho... 8 người; số còn lại đi bằng tiền của doanh nghiệp. Muốn có vé đi Olympic, Nguyễn Thị Ngoan càng dự nhiều giải karate K1 (cấp độ tương đương giải thế giới) càng tốt nhưng cô cũng chỉ được dự 2/3 trong tổng số hơn 10 giải.
Môn karate được cấp 90.000 USD năm 2019, trong khi nhu cầu thực tế phải lên đến 160.000 USD. Tình trạng thiếu tiền cũng là mẫu số chung của môn taekwondo (chỉ dám đầu tư chiều sâu cho 2 VĐV nữ gồm Trương Thị Kim Tuyền, Hồ Thị Kim Ngân) và ở môn judo là Nguyễn Thị Thanh Thủy.
Vũ Thành An giành chiến thắng Độc Lập
Năm 2016, đội tuyển kiếm có tới 4 suất dự Olympic nhưng năm nay chính HLV Phạm Anh Tuấn chia sẻ nếu có được 1, 2 suất cũng có thể xem là kỳ tích. Ông Tuấn nói: “Do kinh phí không dư dả, đối đầu trực tiếp với các đội mạnh châu Á không thể có vé ngay, nên chúng tôi đành phải tính cách đi đường vòng. Nghĩa là chỉ dự 3 trong nhiều giải khu vực để tích điểm và cố gắng ít nhất có VĐV lọt vào vòng 1/32 để tháng 4 năm sau dự tranh play-off. Khi đó tập trung toàn lực cho cuộc đấu này thì hy vọng sẽ có vé”.
Mới đây, nhờ xác định đường vòng chọn giải Grand Prix để tranh, kiếm thủ Vũ Thành An đã lọt vào vòng 1/32, vượt qua cả VĐV người Nga từng giành HCV thế giới để lọt vào vòng play-off.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.