Trưởng đoàn thể thao VN Trần Đức Phấn: 'Sau Olympic Rio sẽ làm lại cử tạ, taekwondo'

20/08/2016 11:03 GMT+7

Sau khi kết thúc môn thi cuối cùng là vật tự do nữ tại Olympic 2016, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Trưởng đoàn thể thao VN Trần Đức Phấn đã dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả thi đấu của đoàn VN tại Olympic lần này?
Với chiếc HCV và HCB môn bắn súng của Hoàng Xuân Vinh, có thể nói đoàn thể thao VN đã hoàn thành chỉ tiêu là có từ 1 - 2 huy chương tại Olympic và đi vào lịch sử khi có chiếc HCV quý giá. Tuy nhiên, phải nói rằng chúng tôi rất bất ngờ với kết quả này. Trước khi lên đường thú thật đoàn VN đặt hy vọng ở cử tạ nhiều nhất và phấn đấu có HCB còn bắn súng nhắm tới HCB hoặc HCĐ. Nhưng Hoàng Xuân Vinh đã làm nên kết quả tuyệt vời. Ngoài ra, cầu lông với Tiến Minh cũng chơi tốt khi có 2 chiến thắng trước khi thua Lin Dan quá mạnh hay môn judo nữ Văn Ngọc Tú cũng có 1 trận thắng.
Ở môn đấu kiếm, Đỗ Thị Anh và Vũ Thành An cũng có 1 trận thắng trước khi phải dừng cuộc chơi vì đối thủ mạnh hơn. Bên cạnh đó, cử tạ gây thất vọng khi không có huy chương, thể dục dụng cụ vẫn còn độ chênh khi ra đấu trường lớn, còn vật hay rowing dù nỗ lực nhưng trình độ của VĐV VN còn yếu. Riêng 2 môn thể thao cơ bản là điền kinh và bơi, có hơi tiếc một chút chỗ Ánh Viên không lọt vào top 8 nội dung sở trường 400 m hỗn hợp, nhưng cũng không thể đòi hỏi nhiều vì khoảng cách giữa chúng ta với thế giới vẫn còn lớn.
Đoàn thể thao VN rút ra bài học gì?
Có 2 bài học lớn về chuyên môn và về tổ chức. Về chuyên môn, đoàn thể thao VN đã có sự đầu tư và chuẩn bị tốt cho 23 VĐV. Nhưng sang đến Brazil có vài trường hợp chấn thương như Vũ Thị Hằng không thể thi đấu ở môn vật hay sự thiếu chuyên nghiệp, mất tập trung của VĐV khi bước vào thi đấu làm ảnh hưởng đến thành tích như Thạch Kim Tuấn ở môn cử tạ. Một bài học lớn khác là với đấu trường Olympic, cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn cho những môn, những nội dung thực sự có thể tranh chấp huy chương. Môn nào đủ sức chơi Olympic thì phải làm đến nơi đến chốn để ra thi đấu là phải có thành tích mang về, còn môn nào chỉ dừng ở cấp ASIAD thì đầu tư cho tranh chấp khu vực.
Về tổ chức, nhân sự đoàn VN lần này vừa đủ, có 3 bác sĩ theo sát chăm lo sức khỏe cho cả đoàn. Trường họp cầu lông hay judo không có HLV đi theo, chúng tôi cũng đã làm việc với từng VĐV trên tinh thần vì cái chung để sao cho có lợi nhất. Dĩ nhiên nếu VĐV đi thi đấu mà có HLV chuẩn bị đấu pháp, ở ngoài sáng nước mách bảo chỗ này chỗ khác vẫn tốt hơn. Nhưng Tiến Minh nói với chúng tôi là trường hợp của anh không cần thiết có HLV theo cùng. Ngay Vũ Thị Trang hay Văn Ngọc Tú cũng vậy, các em cũng tự lo được, nên đoàn thể thao VN chỉ bố trí một cán bộ đoàn kiêm nhiệm thêm ở 2 môn này hỗ trợ. Ở môn cử tạ cũng vậy, chúng tôi tin tưởng đề xuất của bộ môn và ban huấn luyện, nhưng công tác tổ chức HLV ở đội cử tạ không ổn, cần phải có chuyên gia theo cùng như trường hợp của môn bắn súng.
Thái Lan đã đầu tư quyết liệt và giành đến 2 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ môn cử tạ. Đó có phải là điều mà thể thao VN cần phải có những giải pháp chấn chỉnh để vực dậy môn này?
Chắc chắn cử tạ VN phải làm lại. Trong 8 năm qua kể từ khi Hoàng Anh Tuấn có HCB ở Olympic 2008, cử tạ luôn là thế mạnh của VN. Nhưng cũng chỉ có hạng cân 56 kg là đủ sức tranh chấp ở tầm thế giới. Còn lại các hạng cân khác, chúng ta chưa tìm ra được những người thực sự giỏi. Do lực lượng không dày nên cử tạ VN chủ yếu khai thác phong độ của 2 võ sĩ Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn ở cùng một hạng cân. Khi cả 2 chơi không tốt thì cử tạ cũng cạn hy vọng. Đó là điều mà chúng ta phải học Thái Lan. Họ đầu tư vào khoảng 4 - 6 hạng cân nhỏ rất phù họp với thể trạng người Đông Nam Á và đều có kết quả tốt. Nên đã đến lúc cử tạ VN cần có cuộc tổng rà soát để làm lại cho dày hơn. Chúng tôi cũng sẽ tính toán lại lực lượng ban huấn luyện, nhất định phải có chuyên gia giỏi.

tin liên quan

Olympic 2016: Cử tạ gây thất vọng
2 lực sĩ của đoàn thể thao Việt Nam Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn đã không đem về cho nước nhà tấm huy chương nào, khi cả 2 đều thi đấu dưới sức mình tại Olympic 2016.
Vậy ngoài bắn súng, cử tạ, thể thao VN sẽ đầu tư thêm gì cho đấu trường Olympic?
Taekwondo cũng là thế mạnh trước đây của thể thao VN khi Trần Hiếu Ngân từng giành HCB ở Sydney 2000, nhưng hơn chục năm qua chưa bật lên được. Trong khi Thái Lan tại Olympic lần này đã có HCB hạng 58 kg nam và HCĐ hạng 49 kg nữ. Chúng tôi sẽ cùng Liên đoàn Taekwondo VN làm lại để những hạng cân nhẹ VN đủ sức tranh huy chương tại Olympic. Ngoài ra bắn súng sẽ được chú trọng nhiều hơn, Tổng cục TDTT sẽ tập trung đầu tư thêm môn bắn cung vì môn này VN đang có sự phát triển mạnh và có thể tiệm cận thành tích Olympic. Môn này cũng như bắn súng ngoài trang thiết bị thì tâm lý là yếu tố mấu chốt. Bên cạnh đó, Ánh Viên cũng sẽ được quan tâm tốt để hy vọng kéo ngắn khoảng cách, chứ huy chương Olympic vẫn còn là điều rất khó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.