3 lĩnh vực tham nhũng nặng nhất: địa chính - nhà đất, hải quan, cảnh sát giao thông

30/11/2005 00:19 GMT+7

Hôm nay 30.11, Ban Nội chính trung ương Đảng sẽ tổ chức hội thảo công bố kết quả cuộc điều tra, khảo sát về tình hình tham nhũng và công tác chống tham nhũng tại Việt Nam. Cuộc điều tra nói trên được tiến hành tại 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Sơn La, Hải Dương, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, TP.HCM, Đồng Tháp và 3 bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Công nghiệp.

Theo kết quả khảo sát, cán bộ, công chức tại 7 tỉnh, thành phố nêu trên đều cho rằng: “Trong năm qua (2004), tại địa phương, đơn vị mình có xảy ra hành vi tham nhũng”. Các hành vi tham nhũng xảy ra nhiều bao gồm: “người có chức vụ, quyền hạn cố tình gây khó khăn khi giải quyết việc công để buộc người cần giải quyết chi tiền hoặc quà biếu” (ở Sơn La có 46% số người được hỏi đã gặp hành vi này, Hải Dương là 40,9%, TP.HCM là 30,7%); hành vi “nhận tiền hoặc quà để giải quyết công việc có lợi cho người đưa tiền hoặc quà biếu” cũng khá phổ biến: ở Hà Nội có 28,3% người được khảo sát trả lời là đã chứng kiến hành vi này, Nghệ An là 37,6% và Sơn La là 41,9%. Cũng theo kết quả khảo sát, có nhiều người được hỏi cho rằng, hiện tượng “bố trí, đề bạt, tuyển dụng người không có tiêu chuẩn để vụ lợi” là hành vi phổ biến; tại Nghệ An, 27,5% người được hỏi cho là có tình trạng này, ở Sơn La, tỷ lệ là 36,7%, Hải Dương là 39,5%...

Với câu hỏi “Trong khoảng 1 năm qua, ông, bà hoặc thành viên trong gia đình có phải làm các việc sau và khi làm có bị gây khó khăn hoặc gợi ý nộp tiền thêm ngoài quy định?”, cơ quan khảo sát đã thu được kết quả đáng ngạc nhiên. Ví dụ, với việc “vi phạm giao thông bị cảnh sát giữ lại”, tại Hà Nội có 74,1% số người được hỏi trả lời là “nộp tiền ngoài quy định”, ở Hải Dương 82,7% số người trả lời tương tự, ở TP.HCM là 41,5%. Với hành vi “đến viện kiểm sát hay tòa án vì người nhà phạm pháp” mà phải nộp tiền ngoài quy định thì có 75% người được hỏi trả lời như vậy, ở Hải Dương và TP.HCM, tỷ lệ người trả lời có là 66,7%, Nghệ An là 56,7%. Hay việc phải nộp thêm tiền khi đưa người nhà đến bệnh viện thì có 71,3% số người được hỏi ở tỉnh Hải Dương trả lời là có, Nghệ An là 58%, Hà Nội là 44,8%...

Với “đề nghị lựa chọn 3 cơ quan tham nhũng phổ biến nhất” các nhóm đối tượng được khảo sát đều đánh giá thống nhất là: địa chính - nhà đất, hải quan, cảnh sát giao thông. 3 lĩnh vực này cũng đứng đầu trong top 10 cơ quan/lĩnh vực được khảo sát là tham nhũng nhiều nhất. Sau 3 cơ quan trên là các cơ quan, lĩnh vực: cơ quan, cán bộ tài chính, cán bộ thuế; cơ quan quản lý và các đơn vị trong ngành xây dựng; cơ quan cấp phép xây dựng; y tế; cơ quan kế hoạch và đầu tư; cơ quan quản lý và các đơn vị ngành giao thông; công an kinh tế.

Kết quả điều tra về đối tượng tham nhũng cho thấy: có 80% số người dân được hỏi cho rằng “người tham nhũng là người có chức vụ” và “phần lớn người tham nhũng do lòng tham chứ không phải do đói nghèo”. 75% số người dân và 84% cán bộ quản lý doanh nghiệp được hỏi cho biết người nhận tiền (trái quy định) của họ là nam giới và người tham nhũng chủ yếu nằm trong độ tuổi 30-50.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.