6 ngày truy bắt 2 tử tù trốn trại

18/09/2017 08:27 GMT+7

Để truy bắt 2 tử tù trốn khỏi Trại tạm giam T16 của Bộ Công an (đóng tại H.Thanh Oai, Hà Nội), lực lượng công an đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phối hợp giăng nhiều chốt chặn kéo dài hàng trăm cây số từ Hải Phòng đến Sơn La.

Ngày 17.9, thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an, có thư khen Tổng cục Cảnh sát; Tổng cục An ninh; Công an TP.Hà Nội và công an các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Dương về việc tổ chức truy bắt 2 đối tượng truy nã đặc biệt.
Huy động 600 cán bộ chiến sĩ
Trước đó, sáng 11.9, vài giờ sau khi các tử tù Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Tình trốn khỏi Trại tạm giam T16, lãnh đạo Bộ Công an giao nhiệm vụ cho Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo C45 chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương tổ chức lực lượng truy bắt Lê Văn Thọ; Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47) chủ trì, phối hợp đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương tổ chức lực lượng truy bắt Nguyễn Văn Tình. Khoảng 600 cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng C47, C45, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52), các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục An ninh Bộ Công an, Công an TP.Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Sơn La... được huy động tham gia chiến dịch tầm nã 2 tử tù liên tục trong 6 ngày.
Chốt chặn từng ngả đường
Qua tổng hợp tài liệu, trinh sát nhận định Lê Văn Thọ sẽ di chuyển về Hải Dương để móc nối với một số đối tượng xã hội, kiếm sự trợ giúp, tìm đường tẩu thoát. Hàng loạt chốt chặn của C45 và công an các địa phương với sự tham gia của khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ đã được tổ chức tại Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng... Từ sáng 16.9, C45 phát hiện Thọ tại Hải Dương. Tại đây, Thọ đã gặp một số bạn bè cũ và được sự trợ giúp của người thân, bạn gái thu xếp tiền bạc để tiếp tục chạy trốn. Mọi hành tung của Thọ đã bị theo sát, đến cuối giờ chiều cùng ngày, lực lượng cảnh sát mới quyết định “cất vó” khi đối tượng này lưu thông trên một chiếc taxi qua địa bàn H.Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Theo một cán bộ tham gia cuộc truy nã, khi bị bắt, Thọ hầu như không có bất cứ hành động nào chống đối. Khai nhận tại cơ quan CSĐT sau đó, Thọ cho biết quá trình chạy trốn đã liên tục thay đổi địa điểm, không dám ăn lẫn ngủ.
Nguyễn Văn Tình sau khi bị bắt giữ
Đón lõng ở “rốn” ma túy
Trong khi đó, tại mũi truy tìm Nguyễn Văn Tình do C47 chủ trì, đại tá Phạm Trọng Điềm, Phó cục trưởng C47, cho biết qua nghiên cứu, lực lượng cảnh sát nhận định Tình sẽ di chuyển lên Tà Dê, Lóng Luông thuộc H.Vân Hồ, Sơn La. Đây được coi là “rốn” ma túy của cả nước, bản thân Tình đã tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy số lượng lớn có nguồn gốc tại đây. “Việc truy tìm Tình rất căng thẳng, áp lực, nếu để chậm, đối tượng vào được Tà Dê là rất khó khăn, bởi địa hình rừng núi hiểm trở, đối tượng dễ lẩn trốn hoặc chạy ra nước ngoài”, đại tá Điềm kể.
Từ đó, khoảng 400 cán bộ chiến sĩ thuộc C47, Cục Trinh sát kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Công an TP.Hà Nội, Công an tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh Sơn La đã phong tỏa, kiểm soát tất cả các phương tiện giao thông đi lại trên các tuyến đường trọng yếu thuộc hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Công an tỉnh Hòa Bình tổ chức 5 chốt chặn, Công an tỉnh Sơn La tổ chức 9 chốt chặn ở các khu vực trọng yếu. Đến 17 giờ ngày 16.9, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng truy tìm đã xác định Tình có mặt tại xã Tân Sơn, H.Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đến 1 giờ 30 ngày 17.9, Tình bị hàng chục cảnh sát ập vào bắt giữ trong một căn nhà tạm giữa rừng.
Khai nhận trước cơ quan điều tra, Tình cho biết sau khi đào thoát khỏi trại tạm giam, thì về quê ở H.Thạch Thất (Hà Nội) lấy 20 triệu đồng, chia cho Thọ một ít, rồi mỗi người chạy một ngả. Quá trình chạy trốn, Tình đã sử dụng 2 xe máy, thay đổi 4 điện thoại và nhiều sim để tránh sự truy nã của cơ quan chức năng.
“Thèm một giấc ngủ sâu”
Rạng sáng 17.9, khoảng 20 phút sau khi lực lượng cảnh sát khống chế, bắt giữ tử tù Nguyễn Văn Tình tại tỉnh Hòa Bình, trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, trao đổi ngắn gọn với PV Thanh Niên: “Bắt được 2 tử tù bỏ trốn, lực lượng của Tổng cục Cảnh sát hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Công an giao, nhưng quan trọng là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người dân và các cán bộ chiến sĩ tham gia truy bắt”.
Nhưng việc di lý và bàn giao tử tù về lại trại tạm giam cũng không hề đơn giản. Như với Nguyễn Văn Tình, đưa một tử tù từ vùng ma túy nguy hiểm vượt hơn trăm cây số trong đêm luôn có thể xảy ra những tình huống bất trắc, chỉ một phút lơ là sẽ có thể phải trả giá bằng những hậu quả rất lớn. Vì thế, những vị tướng chỉ huy chiến dịch lại tiếp tục trắng đêm để nhận các báo cáo diễn biến, chỉ đạo việc di lý.
“Giờ anh em chỉ muốn bàn giao tội phạm thật nhanh để nghỉ ngơi một chút, mấy đêm không được ngủ rồi, thèm một giấc ngủ sâu”, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, chia sẻ với PV Thanh Niên sau khi bắt giữ tử tù Lê Văn Thọ tại H.Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Tự khai chở 2 tử tù trốn trại để... nổi tiếng
Ngày 17.9, Công an TP.Hạ Long cho biết đang hoàn thiện hồ sơ để xử phạt Đoàn Văn Tính (36 tuổi, trú khu Dốc Đỏ 2, P.Phương Đông, TP.Uông Bí, tài xế taxi) về hành vi khai báo thông tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngày 14.9, anh Tính đến Công an P.Bãi Cháy (TP.Hạ Long, Quảng Ninh) trình báo rạng sáng cùng ngày, tại khu vực ngã ba Hùng Thắng (P.Hùng Thắng, TP.Hạ Long), anh có chở 2 người có đặc điểm giống với 2 tử tù trốn trại từ Hạ Long đi H.Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Khi đến khu vực H.Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng), anh bị người ngồi ở ghế phụ dùng dao khống chế cướp 1 ĐTDĐ rồi tiếp tục bắt chở về H.Đông Hưng. Tuy nhiên, khi lực lượng cảnh sát hình sự vào cuộc điều tra thì phát hiện không có sự việc trên. Tại cơ quan CSĐT, anh Tính khai làm vậy để được nổi tiếng.
Lã Nghĩa Hiếu
Miếng sắt nhỏ giấu trong hậu môn
Trả lời báo chí ngày 17.9, trung tướng Trần Văn Vệ cho biết trên cơ sở đề nghị của Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã ra quyết định tạm đình chỉ ca trực, kíp trực hơn 10 người, kể cả lãnh đạo Trại tạm giam T16 để tổ chức kiểm điểm. Ngày 15.9, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã khởi tố vụ án hình sự thiếu trách nhiệm để người bị giam trốn xảy ra tại trại giam này.
Cùng ngày, trả lời Thanh Niên, đại tá Phạm Trọng Điềm, Phó cục trưởng C47, cho biết 2 tử tù bị bắt khai nhận sau khi được giam chung trong phòng biệt giam, đã cùng nhau dùng một miếng sắt nhỏ mang từ bên ngoài vào, khoét từng mảng vữa trên tường trại giam. Do phòng giam xây dựng lâu năm, bị xuống cấp, tường bị ẩm, các mảng vữa tơi bở nên việc khoét tường diễn ra khá thuận lợi. Theo đại tá Điềm, các đối tượng đã mất khoảng 3 tháng để thực hiện việc đào tường, khoét vách và trong quá trình đó đã dùng một số thủ thuật che mắt lực lượng quản giáo.
Giải thích về việc mảnh sắt xuất hiện trong phòng biệt giam, đại tá Phạm Trọng Điềm cho biết mảnh sắt đã được Lê Văn Thọ đưa vào khi nhập trại, bằng cách nhét vào hậu môn.
T.S
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.