Bang giao Việt - Mỹ thuở đầu lập nước - Kỳ 3: Tướng Mỹ và sự ra đời của Hội Hữu nghị Việt - Mỹ

01/09/2014 09:00 GMT+7

Mặc dù không có hậu thuẫn của chính phủ Hoa Kỳ, nhiều người Mỹ có mặt ở VN sau Cách mạng tháng Tám 1945 đã xúc tiến các cơ hội thúc đẩy quan hệ ngoại giao, kinh tế, văn hóa và giáo dục với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, bất chấp sự phản đối của Pháp.

Bang giao Việt - Mỹ thuở đầu lập nước - Kỳ 2: Tướng Mỹ và sự ra đời của Hội Hữu nghị Việt - Mỹ
Tướng Phillip Gallagher trong một sự kiện tại Hà Nội. Từ trái qua phải là Nguyễn Văn Tố, Gallagher, Vĩnh Thụy (Bảo Đại, hàng sau), Hồ Chí Minh, Ngô Tử Hạ  - Ảnh: T.L

Hơn một tháng sau sự xuất hiện của Đội Con Nai ở Tân Trào, một nhóm OSS khác do thiếu tá Archimedes Patti dẫn đầu đã bay thẳng từ hành dinh OSS tại Côn Minh tới Hà Nội vào ngày 22.8. Theo Giáo sư sử học David G.Marr, Patti là người đã tạo ra ấn tượng lớn nhất tới quan điểm của người VN về người Mỹ trong những ngày đầu tiên của Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH). Việc Patti có mặt tại Hà Nội hai tuần trước quân đội của chính quyền Tưởng Giới Thạch đã khiến nhiều người nghĩ rằng Hoa Kỳ đóng vai trò lãnh đạo trong lực lượng Đồng minh vào giải giáp quân Nhật.

Mặc dù chỉ là một thiếu tá nhưng Patti đã tận dụng các cơ hội thể hiện vai trò “cấp cao” của mình mỗi khi tham gia các sự kiện được tổ chức công khai ở Hà Nội. Trong các cuộc gặp gỡ với báo chí VN những từ ngữ bày tỏ đồng cảm của Patti được coi như hàm ý chính quyền Mỹ phản đối Pháp quay lại Đông Dương và ủng hộ sự độc lập của VN mặc dù cả hai điều này theo David G.Marr đều không chính xác. Theo dư luận bấy giờ, sự hợp tác giữa VN và Hoa Kỳ trong chống phát xít Nhật đã tạo cho Việt Minh một vị thế đặc biệt với phe Đồng minh, mà trước hết là Hoa Kỳ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp Patti ở miền nam Trung Quốc, từng liên tục chất vấn Patti về chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Dương. Khi yêu cầu cấp trên từ Mỹ về các thông tin liên quan đến vấn đề này, Patti đã bị phê bình vì đã vượt qua giới hạn. Thay vì chỉ được phép cung cấp thông tin tóm lược, ông đã thảo luận sâu các vấn đề chính trị với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 16.9.1945 lần đầu tiên một vị tướng Hoa Kỳ có mặt tại Hà Nội. Đó là chuẩn tướng Philip Gallagher, trưởng đoàn cố vấn hỗ trợ tướng Lư Hán nhưng nhận lệnh từ thiếu tướng Robert McLure, Phó chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ tại chiến trường Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Gallagher tham dự sự kiện “Tuần lễ vàng” ở Hà Nội và ngày tiếp theo báo chí đưa tin về sự tham dự của Gallagher.

Với nhiều người Pháp, Gallagher được coi là hiện thân của nỗ lực của người Mỹ không cho Pháp trở lại thuộc địa của mình và người Pháp cho rằng đã có bằng chứng chắc chắn về thái độ thù địch này vào giữa tháng 10.1945. Trong khi thực hiện nhiệm vụ quan trọng là cùng Lư Hán đưa 10.000 quân Tưởng tới Mãn Châu hoặc Đài Loan, Gallagher phát hiện thủy lôi do không quân Mỹ rải tại cảng Hải Phòng vẫn chưa được dọn sạch. Nhưng việc phá mìn sẽ mở toang cánh cửa cho các tàu của hải quân Pháp và do đó có thể dẫn đến cuộc chiến tranh Pháp - Việt nên Gallagher đã thuyết phục hải quân Hoa Kỳ hạn chế công việc này.

Theo David G.Marr, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn duy trì các cuộc gặp riêng với Gallagher. Tướng Gallagher cũng khuyến khích các sĩ quan Hoa Kỳ làm việc với các thành viên Việt Minh để xây dựng Hội Hữu nghị Việt - Mỹ (VAFA) trong đó có việc giúp soạn thảo quy chế của hội. Gallagher đã ghi điểm với việc tham gia vào lễ ra mắt của hội này vào ngày 17.10.1945 cùng với Cố vấn cấp cao Vĩnh Thụy (Bảo Đại).

Tại buổi lễ, đáp lại bài diễn văn của Chủ tịch hội, Gallagher bày tỏ tán thành đề nghị trao đổi sinh viên để tăng cường tìm hiểu văn hóa giữa VN và Hoa Kỳ. Ngay trước lễ ra mắt VAFA, Bộ Nội vụ chính quyền VNDCCH đã chấp nhận quy chế hoạt động của VAFA và báo chí đã cho đăng tải danh sách những thành viên thường trực. Lãnh đạo VAFA gồm có quyền Chủ tịch Trịnh Văn Bính, người đã tốt nghiệp Trường thương mại cao cấp Paris và đang phụ trách Sở thuế của chính quyền VNDCCH. Ông Lê Xuân, quyền Phó chủ tịch là một nhà báo do Gallagher tuyển dụng, “nổi tiếng” với mật thám Pháp vì những hoạt động chống thực dân. Kế hoạch của VAFA bao gồm việc tổ chức các khóa học tiếng Việt và tiếng Anh, dịch và truyền bá các tài liệu quan trọng từ tiếng Việt sang tiếng Anh và ngược lại, xuất bản nguyệt san Việt - Mỹ tạp chí và xây dựng một thư viện...

Theo nhà nghiên cứu Dixee R.Bartholomew - Feis, trong sự việc này người Pháp nhìn thấy sự ủng hộ hiển nhiên của Mỹ đối với người Việt và cảm thấy bực tức. Sau khi trở lại Mỹ, tướng Gallagher tóm tắt tình hình cho các quan chức tại Washington và biểu lộ sự cảm thông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo khác của Việt Minh. Theo sử gia William Duiker: "Gallagher bị ấn tượng bởi sự nhiệt tình, sự hiến dâng cho Tổ quốc cũng như tài năng bẩm sinh của họ. Nhưng ông ta cũng băn khoăn về khả năng của chính phủ non trẻ về việc thực hiện trách nhiệm trong những điều kiện không ổn định ngay sau chiến tranh".

Tại Hà Nội, thiếu tá hải quân Carleton Swift, sĩ quan OSS thay thế Patti, tiếp tục báo cáo về các cuộc hội họp của VAFA, nêu rõ sự gia tăng tự phát của các cuộc họp từng có lần đạt đến con số "gần 6.000 người tham dự". Swift đã ký vào bản nội quy của VAFA "như một biểu hiện tình cảm tốt đẹp và tin chắc rằng vì "không ký một văn kiện vô hại như vậy thì đâu còn là người Mỹ".

Theo nhà sử học David G.Marr, ba số Việt - Mỹ tạp chí đã lần lượt xuất hiện từ tháng 2.1946 đến tháng 10.1954. Trong đó, có bài báo ca ngợi sự xuất hiện nhanh chóng sau tháng 8.1945 của những bộ phim Mỹ mới mà bắt đầu là phim Blondie Goes to town (Tóc vàng xuống phố). Một bài viết khác nói rõ là VN là một thị trường mới cho hàng hóa của Hoa Kỳ, việc xây dựng một nhà máy ô tô của hãng Ford và việc có mặt tại VN của đội ngũ giáo viên, kỹ sư, các nhà chuyên môn kỹ thuật từ Hoa Kỳ... Vào năm 1946 khi hy vọng cho một quan hệ song phương sớm hình thành giữa VNDCCH và Hoa Kỳ đã lu mờ đi, VAFA tiếp tục hoạt động như là một văn phòng chính thức cho các đại diện của các công ty Mỹ sang thăm dò tương lai (thị trường) tại miền bắc Đông Dương.

Trường Sơn

>> Bang giao Việt - Mỹ thuở đầu lập nước - Kỳ 1: Những bức thư không hồi đáp
>> Bang giao Việt - Mỹ thuở đầu lập nước - Kỳ 2: Những người Mỹ ở Tân Trào

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.