Bao giờ người dân, doanh nghiệp nhận được tiền hỗ trợ qua cổng dịch vụ công?

Chí Hiếu
Chí Hiếu
19/05/2020 11:25 GMT+7

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, có 96 hồ sơ doanh nghiệp muốn vay tiền hỗ trợ người lao động do dịch Covid-19 qua cổng dịch vụ công Quốc gia , nhưng không hiểu lý do gì mà vẫn ách tắc hơn 1 tuần qua.

Câu chuyện 96 hồ sơ của doanh nghiệp muốn nhận được tiền hỗ trợ người lao động mất việc đang bị “treo”  trên cổng dịch vụ công đã trở thành “điểm nóng” tại hội nghị trực tuyến “giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp”, diễn ra sáng nay, 19.5.
Hội nghị do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho hay, tính đến nay, Cổng dịch vụ công Quốc gia (CDVCQG) đã có trên 140.000 tài khoản đăng ký, trên 35 triệu lượt truy cập, trên 7,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 68.000 hồ sơ được thực hiện qua CDVCQG. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, việc hệ thống mới ghi nhận vẻn vẹn 1.142 tài khoản là của doanh nghiệp (DN) là con số còn rất khiêm tốn nên đây là việc cần xem xét lại, bởi DN cần là đối tượng đi đầu trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

 

Để kịp thời hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covd-19, từ 12.5, CDVCQG cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, DN gồm: hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động…

 

Tuy nhiên, ông Dũng dẫn chứng đã có 96 hồ sơ của DN mong muốn được vay tiền hỗ trợ người lao động nhưng đã 1 tuần trôi qua mà chưa biết bao giờ được giải quyết. “Trong số này, có 2 hồ sơ chuyển về huyện, 31 hồ sơ đến bảo hiểm; còn 63 hồ sơ thiếu thông tin. Vậy bao giờ hồ sơ đến cấp tỉnh để được duyệt? Thử chạy demo xem bao giờ lên đến tỉnh, xem thời hạn đề ra có đúng không, hay không biết bao giờ?", ông Dũng chất vấn.

 

Trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho hay, hiện cơ quan này đã thiết kế biểu mẫu tài chính rút gọn để doanh nghiệp kê khai, xin xác nhận. "Tuy nhiên, biểu mẫu này chúng tôi đã lấy ý kiến Bộ Tài chính nhưng Bộ Tài chính chưa trả lời lại. Do đó, Bộ LĐ-TB-XH không thể đơn phương đưa ra biểu mẫu tài chính được”, vị này nói.

 

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), cho biết thêm cuối tuần qua, các bên đã họp và cơ quan này đã đề nghị Bộ Tài chính sớm trả lời, nhưng đúng là có chuyện Bộ Tài chính còn chậm trễ.

 

“Tôi đề nghị Bộ LĐ-TB-XH cứ sử dụng form mẫu đã đưa ra. Nếu Bộ Tài chính có ý kiến khác thì họ sẽ đưa ra quan điểm hay biểu mẫu”, ông Phan nói.

Báo cáo của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết thêm, hệ thống CDVCQG cũng tiếp nhận hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi; tiếp nhận trên 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; đã tích hợp được 395 dịch vụ công trực tuyến lên CDVCQG trong đó có 232 dịch vụ công dành cho DN. Báo cáo cho rằng, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỉ đồng/năm, trong đó, riêng CDVCQG đóng góp 3.036 tỉ đồng/năm. 
Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) minh hoạ thêm, như với tập đoàn này, chỉ riêng việc thông báo đăng ký khuyến mãi trực tuyến cũng đã giúp VNPT tiết kiệm 200 triệu/năm khi phải thực hiện khoảng 300 thông báo khuyến mãi. Trong khi đó, con số tiết kiệm của DN cả nước với riêng hoạt động thông báo khuyến mãi trực tuyến qua CDVCQG được đơn vị này ước tính lên đến 1.500 tỉ đồng/năm.
Đại diện VNPT cho biết thêm, VNPT vừa là đơn vị hưởng lợi trực tiếp và đồng thời cũng là đơn vị xây dựng phát triển và vận hành CDVCQG. Do đó, để thuận tiện cho các đơn vị và cá nhân sử dụng các ứng dụng trên CDVCQG kể từ ngày 15.5, VNPT đã nâng gấp đôi băng thông kết nối cổng dịch vụ công các cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.