Bé gái 13 tuổi đổ xăng đốt trường: Sẽ bị xử lý hình sự?

12/10/2016 11:21 GMT+7

Người nào dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đọa hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp, thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Trần Thị Ngọc T. (13 tuổi, trú xã Ninh Thọ, TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) lên Facebook đăng “nếu đủ 1.000 like sẽ đốt trường”. Do status đã hơn 1.000 like nên bạn bè của T. ép T. phải đốt trường.
T. nói không có tiền mua xăng nên có người mua xăng thúc giục T. phải đốt rồi dùng điện thoại quay clip. Khi ngọn lửa bùng lên, T. chạy thoát khỏi đám lửa, nhưng vẫn bị bỏng.
Những người có mặt tại hiện trường, chứng kiến hành động của T. nhưng không ai ngăn cản trước khi em bật lửa đốt.
Cha, mẹ phải bồi thường cho trường
Trong trường hợp này, luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, hành vi của T. là hành vi hủy hoại tài sản. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi T. mới 13 tuổi, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành. Mặt khác, cũng chưa xác định tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng có giá trị trên 2 triệu đồng nên cháu T. không bị xử lý hình sự về hành vi này. Nhưng về trách nhiệm dân sự thì cha, mẹ T. phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nhà trường về giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi của T. gây ra.
Về việc sau status của T., bạn bè của T. mua xăng mang lên trường và thúc giục T. đốt, LS Chánh phân tích, nếu giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng trên 2 triệu đồng thì tùy vào hành vi của từng người mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 BLHS hiện hành với vai trò giúp sức (mua xăng để T. thực hiện) hoặc xúi giục (cổ vũ, kích động T. thực hiện hành vi), căn cứ theo Điều 20 BLHS; tội dụ dỗ, ép buộc; chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp theo Điều 252 BLHS hiện hành. Theo đó, người nào dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đọa hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp, thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Đồng phạm
Còn LS Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, nếu có đủ cơ sở chứng minh những người bạn T. tổ chức và xúi giục T. thực hiện hành vi phạm tội mà mục đích hoặc động cơ của họ nhằm trả thù riêng, hủy hoại tài sản của nhà trường thì đó là hành vi đồng phạm về tội cố ý hủy hoại, làm hư hỏng tài sản của người khác.
Đối với trách nhiệm của trường, LS Lượng phân tích: “Nhà trường cần đánh giá lại công tác bảo vệ của nhà trường. Tại sao ngày chủ nhật, T. không còn theo học tại trường lại có thể mang một lượng xăng vào trường cùng những người khác mà nhà trường lại không hay biết”.
Tuy nhiên, LS Chánh lại cho rằng, do hành vi của T. xảy ra vào ngày nghỉ và T. cũng đã bỏ học nên nhà trường không quản lý em T. Vì vậy, nhà trường không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này. Nếu có thiệt hại xảy ra với tài sản của nhà trường thì họ có quyền yêu cầu cha, mẹ T. phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.