Bộ đội gặt lúa chạy lũ giúp dân

11/08/2017 06:14 GMT+7

Những ngày tháng 8 này, người dân xã Thái Trị (H.Vĩnh Hưng, Long An) quen dần với tiếng còi báo thức, tập hợp, hành quân của bộ đội biên phòng.

Đều đặn 6 giờ sáng và 18 giờ tối, đám trẻ con ở dọc kênh Láng Lớn hổn hển chạy theo những chiếc xuồng chở quân, vẫy tay mừng rỡ: “Bộ đội về. Bộ đội về gặt lúa giúp dân bây ơi!”...
Hạ ba lô, lội xuống ruộng
Diện tích ruộng 25 mẫu của ông Nguyễn Văn Thông nằm gần xịch chóp nhô ra của phần biên giới VN giáp với H.Svay Chum, tỉnh Svay Riêng (Campuchia). Đi từ trung tâm xã ra tới ruộng, chỉ có cách ngồi xuồng chạy lạch tạch chừng nửa tiếng, bốn bề mênh mông nước ngập.
Ngồi chống cằm trên bờ kênh, ông Thông chỉ vùng nước vàng khè trước mặt: “Dưới đó là lúa đến kỳ thu hoạch. Vụ trước cũng bị ngập nước, lỗ 300 triệu đồng. Kỳ này chắc cũng vậy, gia đình đang tính dắt nhau đi làm ăn nơi khác”. Phó chủ tịch UBND xã Thái Trị, ông Trần Đình Tuyển nghe vậy vỗ vai: “Đi đâu mà đi. Bộ đội về giúp đầy đồng nè” và bảo với tôi: Cuối tuần trước khi nước về, nhà ông Thông không thu hoạch kịp, thuê nhân công thì đắt (20.000 đồng/giờ cắt lúa) nên chỉ kéo được máy bơm ra hút nước khỏi tràn và kêu cứu lên UBND xã. Ngay lập tức, xã báo huyện để xin chi viện từ Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Long An. Chỉ 1 ngày sau, sáng sớm thứ ba (8.8) gần 100 cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn huấn luyện cơ động, Đồn biên phòng Long Khốt đã cấp tốc hành quân về địa bàn, hạ ba lô xuống hội trường xã, tức tốc lên ghe ra ruộng nhà ông Thông giúp gặt lúa.
Ông Trần Anh Bằng, Chủ tịch UBND xã Thái Trị, tiếp lời: “Xăng dầu ghe xuồng chở bộ đội thì lấy từ xăng dầu sẵn sàng chiến đấu năm 2017; ăn uống thì theo tiêu chuẩn quy định, đóng tiền mua gạo và thức ăn cho địa phương; nấu nướng cũng do 3 chiến sĩ hậu cần của đồn đảm nhiệm” và cười: “Địa phương chỉ cho mượn hội trường để anh em trải chiếu căng mùng nằm ngủ. Thêm nữa là cung cấp liềm cắt lúa cho bộ đội vì đột xuất”.
Dẫu nghe cán bộ xã, huyện và cả đại tá Nguyễn Văn Quan, Chính ủy BĐBP tỉnh Long An vào tận ruộng động viên, nhưng bà Tư Hường - vợ ông Thông cứ ngân ngấn nước mắt: “Số mình vất vả đành chịu, chỉ mong nhà nước hỗ trợ đồng nào hay đồng ấy. Giờ nhìn thấy bộ đội toàn tuổi con cháu mình lặn ngụp cắt lúa vất vả, cảm thấy như mình làm khó cho anh em”. Cùng tâm trạng, bà Ba Khiêm có căn nhà trên gò đất gần ruộng, dọn hết đồ đạc vào buồng để lấy chỗ cho bộ đội nghỉ giải lao, ăn cơm buổi trưa, lắc đầu: “Lúa ngâm nước lâu thối rình, nắng 40 độ C khiến ốc bươu vàng cũng chết nổi xác. Thế mà bộ đội làm quần quật từ sáng đến tối. Rủi chúng nó bị ốm đau là bà con trong xã không yên lòng”.
Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tiểu đoàn trưởng chia nước uống cho bộ đội ngay trên cánh đồng đang gặt Ảnh: Mai Thanh Hải
Con của nhân dân
Hoàng Văn Hiếu (23 tuổi) là chiến sĩ trung đội cơ động, thuộc tiểu đoàn huấn luyện cơ động. Sở dĩ nhiều tuổi vì Hiếu đã tốt nghiệp chuyên ngành hệ thống điện, Cao đẳng Điện lực TP.HCM (khóa 2012 - 2015) và công tác gần 2 năm tại bộ phận kỹ thuật mạng truyền hình cáp của Truyền hình cáp SCTV. Tôi tò mò: “Dân kỹ thuật, sao cắt lúa hay vậy?”. Hiếu cười: “Nhà em ở H.Thạnh Hóa, làm ruộng từ nhỏ cũng đã quen” và bật mí: Là con út dưới 2 chị gái, lại là trai độc nhất nên được cưng chiều hơn chút. Dẫu vậy khi đi học, làm việc bươn chải trên thành phố cũng phải tự thân vận động để tồn tại với cuộc sống. Vào bộ đội, mọi công việc dù là gian khổ thì càng phải học tập, thích nghi nhiều hơn, trong đó có việc gặt lúa giúp dân. “Nhiều đồng đội ban đầu còn nghi ngờ mình học trò, làm kỹ thuật, không làm nổi việc nhà nông. Càng vậy càng phải làm chăm, làm giỏi để anh em khỏi nói ra, nói vào”, binh nhì Hoàng Văn Hiếu thật thà nói và bảo: “Thấy bác chủ ruộng buồn rầu, cũng thấy đau như ba mình bị mất mùa hồi trước”.
Bữa cơm vội giữa cánh đồng Ảnh: Mai Thanh Hải
Buổi tối ở trụ sở UBND xã Thạnh Trị dày đặc muỗi ruộng đốt đau nhói, tôi đang ngồi nói chuyện với đại úy Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động, thì một chiến sĩ dẫn ba mẹ vào để xin phép được tranh thủ về thăm nhà cách đó chỉ 2 km, bởi từ hồi nhập ngũ đến giờ chưa được về phép. Đại úy Nghĩa cho phép chiến sĩ về 2 tiếng, có mặt trước giờ đi ngủ, rồi kể với tôi: Đó là binh nhì Trịnh Văn Thật, 25 tuổi, trước khi vào bộ đội là nhân viên Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An.
Hôm sau đi cùng bộ đội cắt lúa, tôi lân la hỏi chuyện mới biết: Trịnh Văn Thật học chuyên ngành kỹ sư nông nghiệp, Đại học Nông Lâm TP.HCM khóa 2010 - 2014. Cuối khóa học, cậu có tên trong danh sách thực tập nông nghiệp tại Israel 10 tháng và ra trường được nhận vào làm việc tại Trại giống lúa Hòa Phú của Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An. “Công việc của em là sản xuất giống, lựa dòng, nhân giống nên lội ruộng với bà con miết”, Thật kể và cười: “Nhà có 4 mẫu ruộng, cũng quen với việc gặt lúa chạy lũ nên vừa làm, vừa kể chuyện quê mình cho anh em nghe, để mọi người thông cảm chuyện đồng đất và đỡ mệt”.
Chiến sĩ Lê Xuân Trường, Đại đội Cơ động Ban Chỉ huy quân sự H.Vĩnh Hưng, vác lúa từ máy xát ra bờ kênh phơi, giữa trưa nắng gắt Ảnh: Mai Thanh Hải
Giữ đất, giữ mùa vàng
Mấy ngày ở cùng cán bộ chiến sĩ BĐBP Long An, Đại đội Cơ động của Ban Chỉ huy quân sự H.Vĩnh Hưng, lực lượng dân quân địa phương... mới thấy sự kiên cường của những người lính nơi đất thép. Xuống ruộng cắt lúa, chất lúa, kéo từng xuồng chở lúa vào bờ và trần lưng xát thóc, phơi thóc trên bờ kênh... từ sáng sớm, đến trưa lại ngồi giữa nắng ăn cơm do các chị hội phụ nữ xã nấu giúp, lạch tạch chạy xuồng mang tận nơi. Xong bữa cơm đơn giản, các anh lại trần lưng giữa nắng, lặn ngụp dưới nước nóng cắt, gặt lúa.
Thượng úy Bùi Anh Tuấn, Phó đại đội trưởng Đại đội Cơ động của Ban Chỉ huy quân sự H.Vĩnh Hưng, thành thật: “Đơn vị cũng đi cứu lúa nửa tháng nay ở các xã đầu nguồn khác, giờ mới xong để vội về Thái Trị giúp xã nhà nơi mình đóng quân. Không tranh thủ thời gian giúp dân thì còn mặt mũi nào nhìn đồng bào”. Riêng đại úy Nguyễn Văn Nghĩa thì nói chắc nịch: “Trong 3 - 4 ngày phải cứu xong diện tích lúa này. Lính biên phòng gắn bó với dân biên giới, được bà con giúp đỡ bao năm, lúc này mới có lúc giúp bà con, nên có ốm cũng phải cố” và cười: “Xong Thái Trị, bộ đội lại hành quân lên đầu nguồn cứu mùa vàng cây lúa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.