Bộ trưởng LĐ-TB-XH: Lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế như ‘con nghiện’

24/10/2017 13:49 GMT+7

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng hiện tượng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế đang xảy ra trầm trọng như con nghiện 'hút càng ngày càng mạnh'.

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội sáng nay 24.10, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng LĐ-TB-XH, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị Quốc hội cần có chương trình giám sát đặc biệt đối với việc chi quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Theo ông Đào Ngọc Dung trong toàn bộ hệ thống an sinh xã hội thì bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là trục chính của xã hội. Nhưng cả hai lĩnh vực này hiện đang rơi vào tình trạng bấp bênh. “Chúng ta chỉ có hơn 13 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, trong khi chúng ta đang đi ngược lại với xu thế của thế giới là tỉ lệ đóng thì ít nhưng hưởng nhiều; đóng ngắn hưởng dài. Bởi vậy, chuyện vỡ bảo hiểm, nếu không thiết lập nhanh, không điều chỉnh nhanh chắc chắn đến năm 2030 chứ không phải đến 2035, không còn tiền để chi trả”, ông Dung nói.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH cũng cho biết, kết dư của Quỹ bảo hiểm y tế đến nay là 47 ngàn tỉ đồng nhưng riêng năm 2017 này đã thâm vào số này 12.000 tỉ đồng. Việc lạm chi quỹ bảo hiểm theo ông Dung là rất trầm trọng: “Tôi xin nói rằng, cái này nó như là con nghiện, anh đã nghiện cái thuốc này rồi thì năm sau, tháng sau anh lại hút nặng hơn chứ không bao giờ hút nhẹ đi được”, ông Dung ví von và cho biết nếu không kiểm soát thì nguy cơ vỡ quỹ, là điều nhìn thấy.

tin liên quan

Dự kiến năm 2017, quỹ Bảo hiểm y tế bội chi 10.000 tỉ đồng
Ngày 28.9, tại hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin về bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT), ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho biết việc in, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đồng bộ theo mã số mới sẽ triển khai cho toàn bộ người tham gia trên cả nước từ 1.10.2017.  
Ông Đào Ngọc Dung cho biết hiện việc giải ngân cho đầu tư phát triển đang thực hiện rất chậm. Với cả 2 chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong năm 2017 nhưng đến hết tháng 7, đầu tháng 8 vừa rồi mới quyết định, đến bây giờ còn khoảng 196 nghìn tỉ đồng, đang treo lơ lửng. Bản thân 2 chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội cho chỉ tiêu, quyết định, cho cơ chế đặc thù bằng nghị quyết rồi nhưng, bây giờ tiền không có. Với hai chương trình mục tiêu, giải ngân tổng thể mới đạt 25,4%.
"Hôm nay, tôi nói trước Quốc hội, không phải vạch áo cho người xem lưng đâu. Nhưng chúng ta đang bàn về công việc của đất nước. Giải ngân hai chương trình mục tiêu quốc gia, mang tính chất nền tảng của đất nước mà còn khó khăn thế này. Tôi đề nghị phải coi việc này, ngay sau kỳ họp này, bắt buộc bằng một nghị quyết hoặc chủ trương của Quốc hội là yêu cầu khống chế thời gian giải ngân”, ông Dung đề nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.