Bồi thường oan sai và trách nhiệm với nợ công

26/12/2008 00:42 GMT+7

Hôm qua 25.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự luật Bồi thường nhà nước và Dự luật Quản lý nợ công.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận cho biết, trên thực tế, tình trạng cơ quan nhà nước, cán bộ công chức không thực thi hoặc chậm thực thi công vụ so với quy định của pháp luật còn khá phổ biến. Khắc phục tình trạng này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, việc xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ phải bao gồm cả hành động và không hành động. Với đề nghị này, Nhà nước phải bồi thường cho người dân cả trong trường hợp người thi hành công vụ do không hành động (dù luật pháp có quy định) mà gây thiệt hại. Mục đích của quy định này là "tạo tiền đề để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức mẫn cán, tận tụy phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng nền hành chính trong sạch vững mạnh" - ông Thuận nhấn mạnh.

Dự luật liệt kê 11 trường hợp được Nhà nước bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính. Nhưng Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị mở rộng thêm. Xót xa trước cảnh ngộ những gia đình bị oan sai, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nói: "Trường hợp này không chỉ đền bù là xong, xử thì rất to mà xin lỗi lại rất nhỏ". Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển lại băn khoăn, nếu luật mở rộng quá các vi phạm bị bồi thường, tính khả thi sẽ không cao. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng lo lắng: "Nếu không có giới hạn tối đa về mức bồi thường, không cẩn thận, khi luật ra đời thì Nhà nước lại trở thành con nợ". Ông Ksor Phước còn nêu thêm một thực tế khác để phân định rõ trách nhiệm: khi người dân xây nhà với số tầng cao hơn mức độ cho phép, chính quyền ra quyết định cưỡng chế phần xây cao hơn so với giấy phép; "trong trường hợp cưỡng chế chỉ có 50 cm nhưng gây sập nhà, mà căn nhà đó có giá trị hàng chục tỉ đồng, ai chịu bồi thường?", ông  Phước đặt câu hỏi.  

Về Dự luật Quản lý nợ công, tuy đã được tiếp thu, chỉnh sửa bổ sung nhưng Ủy ban Tài chính ngân sách của QH (cơ quan thẩm tra) vẫn không tán đồng với quy định về trách nhiệm trong quản lý nợ công. Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đòi hỏi, luật phải quy định rõ về chế độ trách nhiệm đối với người quyết định cho vay, người thẩm định cho vay vốn, cá nhân, tổ chức liên quan đến việc cho vay lại; làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc sử dụng vốn vay, bảo đảm vốn vay được sử dụng có hiệu quả. 

Tại kỳ họp thứ tư QH khóa XII, một số ý kiến đề nghị đưa nợ vay của doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi điều chỉnh của dự luật. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, cân nhắc lại, Cơ quan thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất không đưa nợ của các doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi điều chỉnh của luật. 

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.