Cấm dịch vụ đòi nợ thuê, được không?: Kiểm soát tốt sẽ không thể biến tướng

Phan Thương
Phan Thương
04/10/2018 09:36 GMT+7

Kiến nghị của UBND TP.HCM về việc đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh nhận được nhiều ý kiến đồng tình do bức xúc tình trạng dịch vụ này đang biến tướng mang tính chất 'xã hội đen'.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các ý kiến cho rằng việc để biến tướng là do cơ quan chức năng chưa thực hiện tốt chức trách.
Tòa sẽ quá tải
Một trong những căn cứ để UBND TP.HCM đề xuất cấm dịch vụ đòi nợ thuê, theo người phát ngôn của UBND TP, là “việc nợ tiền là quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế giữa hai đối tác, giữa hai người bằng hợp đồng cụ thể. Khi có mâu thuẫn cần đưa ra tòa và phán quyết của tòa chính là phán quyết cuối cùng mà các bên buộc phải theo”. Trong khi đó, theo thẩm phán Nguyễn Công Phú, TAND TP.HCM, dịch vụ đòi nợ thuê và việc tòa án xét xử các tranh chấp đòi nợ hoàn toàn khác nhau. Dịch vụ đòi nợ thuê ra đời do nhu cầu của người dân cần người thay mặt, đại diện mình đi đòi nợ. Trường hợp doanh nghiệp (DN) đòi nợ không thể đòi được nợ cũng có thể kiện ra tòa để giải quyết tranh chấp. Vì thế, tòa án không thể thay thế dịch vụ đòi nợ thuê.
Vẫn theo ông Phú, tất cả các tranh chấp dân sự, giao dịch dân sự đều thuộc thẩm quyền của tòa án thụ lý. “Khi các bên tranh chấp, nộp đơn khởi kiện ra tòa thì tòa thụ lý, còn chứng cứ tới đâu tòa xử đến đó. Việc giao dịch dân sự được thể hiện trên hợp đồng, thể hiện bằng miệng hay giấy tay thì đó là chứng cứ để HĐXX xem xét, đánh giá”, ông Phú nói.
Nhưng nếu thụ lý tất cả các tranh chấp dân sự thì liệu có quá tải đối với tòa án? Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 (từ ngày 1.12.2017 - 31.5.2018) của TAND TP.HCM cho thấy số án thụ lý mới của TAND 2 cấp là trên 26.000 vụ việc các loại và tổng số án phải giải quyết trên 49.000 vụ việc. Đã giải quyết được 23.238 vụ việc, đạt tỷ lệ 47,37%. Tính bình quân mỗi thẩm phán cấp TP đang thụ lý trên 52 vụ, tương đương 9 vụ/tháng; còn thẩm phán cấp quận, huyện đang thụ lý 85 vụ, tương đương khoảng 14 vụ/tháng. Đối với vụ việc dân sự, TAND 2 cấp của TP thụ lý hơn 20.000 vụ việc, đã giải quyết 6.398 vụ việc, đạt tỷ lệ 31,99%. TAND 2 cấp TP còn 48 vụ việc quá hạn chưa được giải quyết.
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP.HCM, nhìn nhận số vụ án thụ lý vẫn còn lớn, tính chất các vụ việc tranh chấp ngày càng phức tạp, trong khi số lượng cán bộ, thẩm phán chưa đủ để đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến tỷ lệ giải quyết các loại án đạt thấp và chưa có tiến triển mạnh so với cùng kỳ.
Kiểm soát chặt, chứ không thể cấm
Phân tích về dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê, ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho rằng vấn đề mấu chốt của dịch vụ này là công tác hậu kiểm. “Sau khi cấp giấy phép hành nghề, các cơ quan chức năng, công an, chính quyền địa phương nơi đơn vị đặt văn phòng được phép hậu kiểm. Cơ quan quản lý lao động của địa phương đó phải làm đúng trách nhiệm để đảm bảo DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động theo quy định, không phải biến tướng”, ông Đức nói.
Luật sư (LS) Phạm Văn Hiến Minh, đại diện một công ty luật của Mỹ tại TP.HCM, cho biết các nước phát triển như: Mỹ, Anh, Singapore… vẫn có loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ. “Vì ta không quản lý, kiểm soát tốt nên công ty đòi nợ biến tướng”, LS Minh đánh giá và cho biết ở các nước, nếu công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện các bước phù hợp, theo luật nhưng vẫn không đòi được nợ thì sẽ được chủ nợ ủy quyền thực hiện các bước khởi kiện ra tòa để đòi nợ. “Thực tế ở VN cũng thế, nếu dịch vụ đòi nợ vẫn không thuyết phục được người nợ trả tiền thì bên chủ nợ cũng phải làm đơn khởi kiện ra tòa, hoặc giải quyết tranh chấp tại trung tâm trọng tài thương mại (nếu có thỏa thuận)”, LS Minh nêu.
LS Lương Văn Trung, Trung tâm trọng tài quốc tế VN, khẳng định dịch vụ đòi nợ ở các nước chỉ mang tính nhắc nhở, cảnh báo và họ được phép gửi các thông tin, số liệu liên quan đến các tổ chức tín dụng nhằm cảnh báo thực trạng nợ xấu của người nợ, buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ. “Vay mượn cơ bản là giao dịch dân sự. Các bên tham gia phải đánh giá được những rủi ro phát sinh trong giao dịch. Hình thức kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn căn bản chỉ là được ủy quyền đòi nợ thay. Vì vậy, vẫn cho phép hoạt động nếu giải quyết được các vấn đề ranh giới giữa bảo vệ chủ nợ và tôn trọng người nợ, chứ không phải hăm dọa, uy hiếp tinh thần, hay xâm phạm thân thể, chỗ ở, quyền con người như thực tế biến tướng đang xảy ra”, LS Trung nhấn mạnh.
Tạm giữ 2 nghi can bắt người trái pháp luật để đòi nợ
Ngày 3.10, Công an H.Gò Dầu (Tây Ninh) tạm giữ hình sự Đào Xuân Tùng (34 tuổi) và Trần Văn Tài (26 tuổi, cùng ngụ Hà Nội) để điều tra hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Theo điều tra ban đầu, tháng 8.2018, Tùng từ Hà Nội vào Tây Ninh làm thuê cho Đoàn Duy Hưng (29 tuổi, ngụ Hà Nội; tạm trú Phước Đông, Gò Dầu). Tùng được Hưng giao làm Giám đốc Công ty T.N, chuyên cho người dân quanh khu vực H.Gò Dầu vay tiền; đồng thời thuê nhiều đối tượng hằng ngày đi thu tiền nợ. Trong số những người vay có bà N.T.X.T (51 tuổi) và N.T.L (40 tuổi, cùng ngụ H.Gò Dầu) đã vay của Tùng nhiều lần nhưng không còn khả năng trả nợ. Ngày 13.9, Tùng và Tài cùng một số đối tượng đến nhà bà L. đòi nợ, khi đến nơi chỉ có bà T. nên nhóm này đe dọa và bắt bà T. chở đi tìm bà L. Khi gặp vợ chồng L., nhóm này khống chế, bắt cả hai đưa ra xe, ép viết giấy nợ. Nhận được tin báo, Công an H.Gò Dầu bắt giữ Tùng và Tài. Tùng khai cho hàng chục nạn nhân vay tiền, với lãi suất từ 182 đến 282%/năm.
Ngọc Hà
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.