Buông lỏng hay vì lý do gì ?

25/09/2017 06:55 GMT+7

Tình trạng “cò” khám chữa bệnh diễn ra tại TP.HCM từ rất lâu nay. Thanh Niên và các báo đã nhiều lần phản ánh, thế nhưng đến nay chúng vẫn tồn tại, thách thức dư luận, coi thường các cơ quan chức năng và gây thiệt hại cho người bệnh.

Về trách nhiệm của thực trạng này, rõ ràng cần phải nói đến vai trò của cơ quan quản lý y tế, công an sở tại và bệnh viện… Nếu “cò” hoạt động bên trong bệnh viện, trách nhiệm chính là của bệnh viện. “Cò” sống được là do các phòng khám bên ngoài bệnh viện móc nối chi tiền cho “cò”. Do vậy, trách nhiệm tuyên truyền, quản lý các phòng khám này là của ngành y tế. Liệu ngành y tế đã thực sự mạnh tay hay chưa khi mà mỗi phòng khám muốn hoạt động đều cần được cấp phép? Và thực tế xung quanh các bệnh viện, lực lượng phòng khám móc nối với “cò” đang hoạt động công khai chứ đâu phải lén lút.
Bên cạnh đó, cũng cần nói đến trách nhiệm của các bệnh viện, cơ sở y tế công lập - đó là phải cải thiện tinh thần phục vụ, rút ngắn thời gian chờ khám, chữa bệnh. Bởi vì ngại thái độ phục vụ, ngán chờ đợi lâu nên người bệnh dễ nghe theo dụ dỗ: “đưa ra phòng khám bên ngoài khám nhanh hơn”. Nếu như bệnh viện liên tục phát loa thông báo về hiện tượng “cò” trong giờ khám bệnh như một số bệnh viện đang làm; song song đó làm tốt công tác tổ chức khám chữa bệnh để bệnh nhân có thể khám nhanh, khám có chất lượng... không phải chờ đợi quá lâu, thì “cò” khó có đất sống.
Tuy nhiên, trong thực tế thì “cò” hoạt động rất rầm rộ ngay từ bên ngoài bệnh viện. Ở đây, rõ ràng trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, cụ thể là lực lượng công an. Năm ngoái, khi Báo Thanh Niên phản ánh mạnh nạn “cò” khám chữa bệnh lộng hành, lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo ngành công an phối hợp với y tế giải quyết triệt để. Tình trạng “cò” lắng xuống một thời gian, thế nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Hiện nay “cò” còn lộng hành hơn, nhất là ở Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic (ở đường Hòa Hảo, Q.10) mà Thanh Niên phản ánh ngày 23.9.
Rõ ràng, nếu công an sở tại kiểm tra, xử phạt gắt gao thì “cò” không thể nhởn nhơ gây mất an ninh trật tự như thế được. Tại sao lực lượng công an luôn khẳng định đủ sức trấn áp tội phạm nguy hiểm nhưng lại bó tay trước đội ngũ “cò” hoạt động rầm rộ? Thực tế này khiến người dân có quyền đặt ra câu hỏi: lực lượng công an buông lỏng hay vì một lý do, lợi ích nào khác?
Trong chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, đề xuất “trảm” lãnh đạo phường nếu để vỉa hè bị tái chiếm được hầu hết các ý kiến ủng hộ. Từ đây nhìn qua thực trạng “cò” bệnh viện lộng hành, cần thiết cũng phải có ứng xử phù hợp với lãnh đạo công an địa phương để nêu cao trách nhiệm công vụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.