Cà phê báo chí

Tuần rồi lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM mời một số nhà báo ăn sáng, uống cà phê bàn chuyện giao thông thành phố.

Nghe mà vui. Nhà báo được tôn trọng, được vời đến để trao đổi cởi mở, được phản ánh trực tiếp những điều mình thấy mình biết, làm cầu nối giữa người dân với chính quyền. Có ích biết chừng nào!
Nghe mà mừng. Lãnh đạo sở không quên việc nắm bắt thông tin từ giới nhà báo thạo tin để theo kịp các vấn đề phát sinh trong xã hội. Dân được nhờ biết mấy!
Chưa kể, thông điệp về quan hệ báo chí được phát ra rất cởi mở: “Hãy luôn cởi mở, công khai, cầu thị để phối hợp thật tốt với các cơ quan báo chí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành”. Chuyện này cũng được hứa là sẽ duy trì định kỳ.
Tiếp xúc báo chí là một phần công việc không thể thiếu trong công tác lãnh đạo, điều hành xã hội. Thông tin luôn là một yếu tố đầu vào quan trọng của quá trình quản lý. Cũng có luồng thông tin vì lý do này hay lý do khác không được phản ánh vào hệ thống báo cáo từ cấp dưới gửi lên nhưng vẫn có thể đến với lãnh đạo từ mặt báo, từ các chương trình thời sự. Có thể có chuyện lãnh đạo muốn nghe, có chuyện không muốn nghe. Nhưng người quản lý thì phải luôn dám đối mặt với vấn đề để giải quyết cho đúng trách nhiệm.
Giờ có thêm cách lãnh đạo các ban ngành chủ động mời nhà báo, không phải đến dự họp báo, mà để trò chuyện và thông đạt với nhau nhiều vấn đề. Nhà báo có thể là những người nắm bắt được nhiều hơn những thông tin đăng trên mặt báo. Có thể còn có nhiều tâm tư của người dân, những điều chưa thuận tiện để đăng báo, những dấu hiệu tiêu cực, những cách làm hay, những ý tưởng hay của người dân chưa có cơ hội lên báo, lên sóng phát thanh truyền hình. Vậy nên những cuộc trò chuyện, gặp gỡ với báo giới trong không khí thân tình có thể giúp thông đạt thêm nhiều điều hơn trên mặt báo.
Nhà báo, về nguyên lý, là những người trung gian. Họ đi, họ thấy, họ ghi nhận, họ phản ánh. Việc đưa tin và phản ánh khách quan, chính xác sẽ thúc đẩy nhiều quá trình xã hội tích cực để phát hiện và giải quyết các vấn đề phát sinh hằng ngày, hằng giờ trong đời sống. Giới lãnh đạo chủ động tìm cách ngồi với nhà báo, không phải để xã giao kiểu trà dư tửu hậu, mà là để lắng nghe, trao đổi cởi mở, thân tình để cung cấp thông tin cho nhau. Nhà báo có cơ hội để kiểm chứng chính xác hơn thông tin sẽ đăng, tránh hiểu sai, hiểu lầm đáng tiếc. Giới chức chính quyền thì có thể nhận được nhiều thông tin phản ánh hơn để ra quyết định đúng. Và để được người dân hiểu đúng, đánh giá đúng.
Năm 2016 cũng được biết là năm có nhiều vị lãnh đạo chủ động mời giới doanh nhân cà phê sáng. Đầu năm thì chủ tịch tỉnh Đồng Tháp “mở quán” cà phê doanh nhân - doanh nghiệp để gặp giới doanh nghiệp mỗi sáng. Cuối năm thì lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi khởi động chương trình cà phê định kỳ hằng tháng với doanh nhân. Rồi giờ đến chính quyền TP.HCM cũng chủ động gặp giới doanh nhân trong những không gian cởi mở hơn. Những cuộc gặp đó chắc chắn có ích cho doanh nghiệp, cho chính quyền.
“Cà phê báo chí” là cụm từ hay dùng để gọi những quán cà phê nhà báo thường rủ nhau đến. Giờ cụm từ này có thêm nghĩa mới, chỉ một cách xây dựng quan hệ báo chí tích cực của giới chức chính quyền. Mong là nhiều lãnh đạo chính quyền rồi cũng chủ động gặp nhà báo. Vì gặp nhà báo thật ra cũng chính là gặp người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.