Cái sảy nảy cái ung

28/03/2013 03:00 GMT+7

Một đồng nghiệp của tôi kể, bác của anh, vốn là một cán bộ cấp quận nghỉ hưu, từ năm 1996 đến năm 2002 ông lần lượt chia mảnh đất cụ kỵ để lại cho 3 người con khi họ được dựng vợ, gả chồng. Mỗi người được từ 25-27 m2, để họ dựng nhà và sinh sống trên đó.

Năm 2010, các con ông làm hồ sơ đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (GCN) thì được trả lời: không được cấp GCN riêng cho từng căn nhà, vì theo Quyết định số 58/2009/QĐ-UBND ngày 30.3.2009 của UBND TP.Hà Nội diện tích tối thiểu được phép tách thửa và cấp GCN là không nhỏ hơn 30 m2. Khiếu nại lên xuống, được trả lời cũng dăm lần nhưng hồ sơ xin cấp GCN của gia đình ông hiện vẫn đang bị treo. Chắc chắn, những hồ sơ này nằm trong số 168.000 thửa đất tồn đọng của Hà Nội và 6 triệu GCN cần được cấp trên toàn quốc (theo báo cáo của Bộ TN-MT).

Việc áp dụng các chính sách mới ban hành vào giải quyết đối với những trường hợp đã xảy ra (từng là hợp lý) trong quá khứ đang là cản trở lớn nhất khiến việc cấp GCN rất chậm chạp, bất kể Nghị quyết của QH và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành việc này vào ngày 31.12.2013. Chính quyền không thể lấy một quy định ban hành năm 2009 để “phán” đúng hay sai cho thực tế đã diễn ra từ 10 năm trước đó, trên mảnh đất hương hỏa của tổ tiên người ta.

Có người nói rằng, người dân biết sai mà vẫn làm nên giờ phải “trả giá” (không được cấp GCN). Nhưng có một thực tế rằng, tất cả các vi phạm, từ cấp đất trái thẩm quyền đến lấn chiếm, xây dựng không phép… đều diễn ra ngay trước mắt chính quyền. Chẳng hạn, rất nhiều vụ việc khi xây dựng, chuyển từ đất ruộng sang làm nhà ở chính quyền đều biết. Không có trường hợp nào người ta xây nhà mà phường không đến phạt cả. Vấn đề là chính quyền cũng chẳng quyết tâm ngăn chặn mà chỉ phạt, thu tiền xong rồi làm ngơ cho người dân tiếp tục xây dựng. Và giờ thì cái sảy nảy cái ung. Người dân bức xúc vì không được cấp GCN, thiệt thòi về quyền lợi, còn chính quyền không hoàn thành cấp GCN thì chẳng biết bao giờ mới có dữ liệu quốc gia về đất đai để quản lý tốt.

Câu chuyện ở đây là tư duy của nhà quản lý phải thay đổi và cách làm cũng phải thay đổi. Không thể chỉ đợi người dân đến “xin” cấp GCN và phán xử, mà phải giải quyết từng trường hợp thật sự với trách nhiệm của công bộc.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.