Chất lượng nhân công

20/09/2012 03:00 GMT+7

Nhiều thông tin gần đây cho thấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội mới để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn cần một chiến lược lâu dài nhằm đảm bảo phát triển ổn định theo chiều sâu.

Cuối tháng trước, Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore công bố kết quả khảo sát mang tên Khảo sát triển vọng kinh doanh ASEAN 2012/2013.

Theo đó, Việt Nam thuộc nhóm các điểm đầu tư, thay thế Trung Quốc và Ấn Độ, mà giới kinh doanh Mỹ muốn hướng đến trong thời gian tới. Các nhà đầu tư Mỹ được khảo sát tin tưởng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sẽ “rất tích cực” và đạt lợi nhuận tốt vào năm sau. Tương tự, tờ China Daily hồi giữa tháng dẫn lời ông Soren Skou, Tổng giám đốc Tập đoàn vận tải Maersk Line, nhận xét Trung Quốc đang giảm sút khả năng cạnh tranh với một số nước, có cả Việt Nam, trong một số lĩnh vực. Vì thế, giới kinh doanh Trung Quốc cũng dự định đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam và giảm bớt quy mô sản xuất tại nước nhà.

Rõ ràng, những thông tin trên là tín hiệu đáng mừng khi mở ra cơ hội mới cho kinh tế Việt Nam.

Thế nhưng, cũng mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Trong đó, Việt Nam tiếp tục tụt hạng khi xếp vị trí 75 trên 144 nền kinh tế được khảo sát. Vị trí này là thứ 3 trong số 9 nước Đông Nam Á được xếp hạng. Nguyên nhân của kết quả trên là Việt Nam bị đánh giá thấp trong những tiêu chí then chốt để phát triển bền vững, đặc biệt đối với 2 chỉ số là: Sự tinh tế trong kinh doanh (xếp thứ 100), chỉ số tiến bộ đổi mới (xếp thứ 81).

Trong khi đó, giới kinh doanh nước ngoài lại chú trọng đầu tư vào Việt Nam chủ yếu vì chi phí nhân công thấp. Đây chẳng phải là tiêu chí đảm bảo sự phát triển lâu dài cho một đất nước. Nền kinh tế chỉ tăng khả năng cạnh tranh khi phát triển có định hướng chiều sâu, tập trung vào những ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao để tăng chất lượng hoạt động của doanh nghiệp.

Cách đây chưa lâu, tiến sĩ Jenny Rebecca Kehl chuyên nghiên cứu chính sách công tại Mỹ từng đề cập đến vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển lâu dài. Theo đó, Ấn Độ là điển hình thành công trong việc sử dụng nguồn đầu tư nước ngoài đáp ứng mục tiêu trên. Ấn Độ đã thiết lập các khu vực cơ sở hạ tầng và biện pháp hỗ trợ tập trung đúng như chiến lược phát triển lâu dài mà nước này đề ra. Ví dụ như các khu vực chuyên biệt phát triển ngành công nghệ thông tin với nhiều ưu đãi nhưng vẫn đảm bảo xây dựng nguồn nhân lực nội bộ cùng hệ thống cung ứng nội địa.

Nhìn lại, Việt Nam lâu nay cũng từng đề cập những cách thức tương tự. Tuy nhiên, thực tế thì hiệu quả vẫn còn cách xa kỳ vọng đề ra. Điển hình như hiệu quả của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến lúc này vẫn chưa thể hiện rõ ràng, đây là điều mà dư luận lẫn giới chuyên gia từng nhiều lần nói đến. Vì thế, ngay khi đứng trước một cơ hội mới để thu hút đầu tư, Việt Nam cần có một chính sách lâu dài mà trọng tâm chính là phát triển nền tảng công nghệ và chất lượng nhân công nội địa. Nhân công giá rẻ không thể là chính sách khả thi cho mục tiêu trên.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.