Chuyện dài chưa dứt

01/08/2017 07:16 GMT+7

Trong nhiều câu chuyện môi trường hằng ngày trên báo chí, việc các doanh nghiệp xả rác thải, nước thải và khí thải đầu độc môi trường dường như chưa được các cơ quan bảo vệ và kiểm soát môi trường xử lý sai phạm mạnh mẽ, mang tính răn đe thực sự.

Gần đây là vụ Công ty Huy Việt - Tây Đô, chuyên mua bán, sản xuất hóa chất cơ bản, cồn thực phẩm... ở Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ, xả trộm nước thải không qua xử lý ra sông Hậu, con sông lớn cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất của hàng triệu người. Điều đáng kinh ngạc là công ty này đã 5 lần bị lập biên bản về hành vi xả thải trái phép, qua những hình thức như dùng sà lan chở nước thải ra sông Hậu để đổ và dùng đường ống đặt ngụy trang dưới các bè nuôi cá để đổ trực tiếp ra sông. Mặc dầu việc xử phạt bằng tiền đã tiến hành nhưng vụ việc chứng tỏ công ty vẫn tiếp tục hành vi xả thải trái phép và việc kiểm tra - chấn chỉnh chưa hiệu quả.
Thật ra những trường hợp như vậy không hề hiếm hoi. Tiến trình sự việc cũng na ná như nhau: các doanh nghiệp xin giấy phép thành lập, sản xuất, cơ quan xét báo cáo đánh giá tác động môi trường, rồi cũng được phê duyệt cho qua. Sau một thời gian hoạt động, người dân phát hiện ô nhiễm do xả thải, rồi cơ quan chức năng xuống kiểm tra và lập biên bản, rồi xử lý, phạt tiền, yêu cầu khắc phục, thế nhưng việc xả thải lại vẫn tiếp diễn, rồi lặp lại câu chuyện lập biên bản - xử phạt - rồi xả thải lần nữa... Thậm chí như trường hợp của Công ty Huy Việt - Tây Đô, cơ quan chức năng lại phải năm lần bảy lượt theo dõi, trinh sát, phục kích để bắt quả tang!
Thực tế cho thấy, ngay từ đầu việc qua loa trong đánh giá tác động môi trường và việc kiểm tra thực thi biện pháp xử lý ô nhiễm, kiểm soát chặt chẽ xả thải ban đầu đã có những lỗ hổng để doanh nghiệp có thể qua mặt luật pháp về môi trường. Với công nghệ hiện nay, việc kiểm soát quy trình xử lý ô nhiễm và xả thải không phải quá phức tạp và tốn kém đến nỗi cả doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng không thực thi nổi. Đến khi lập biên bản thì việc đầu tiên là phải yêu cầu nhà máy ngừng xả thải, phạt nặng thích đáng, nếu cần phải niêm phong các dây chuyền sản xuất gây chất thải, buộc nhà máy phải sửa chữa hệ thống, lắp đặt các thiết bị theo dõi trước khi cho vận hành lại và kể cả rút giấy phép hoạt động. Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như thế!
Tài nguyên nước là nguồn sinh sống quý giá cho hàng triệu người ở đồng bằng sông Cửu Long, đang có nguy cơ suy giảm về chất lượng do ô nhiễm sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Hơn lúc nào hết, việc siết chặt các luật lệ về môi trường cần đặt ra như một giải pháp cấp bách cần thiết thông tin về các dự án công nghiệp càng cần thiết công khai một cách minh bạch để các nhà khoa học và cộng đồng phản biện và giám sát. Và một khi sự gian dối, xả thải lén lút được đưa ra ánh sáng thì không thể để có chuyện phát hiện đến lần thứ hai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.