Đã ít còn nợ

18/05/2016 05:21 GMT+7

Chuyện vận động viên thể thao Hà Nội than khóc vì lương đã 'bèo', trả theo ngày công, lại vừa bị nợ lương là chuyện lẽ ra rất 'rét', nhưng lại 'nóng' mấy hôm nay.

Ngoài Hà Nội, không biết còn địa phương nào rơi vào tình trạng này không?
Là trung tâm đào tạo vận động viên (VĐV) số 1 trong cả nước, nhưng với cách đối xử như thế với VĐV, thì làm sao Hà Nội thu hút được VĐV tài năng một cách lâu dài? Nội cách trả lương theo hình thức nhận tiền công, với hệ số 2,34 là 122.000 đồng/ngày, trừ thứ bảy, chủ nhật thì mỗi tháng được lĩnh gần 2,7 triệu đồng, đã nói lên “tính mùa vụ” của những hợp đồng thể thao mà Hà Nội đang áp dụng.
Một VĐV võ thuật đã than thở: “Thời buổi này, lương giúp việc bét nhất cũng đã 4 triệu đồng/tháng, với 2,7 triệu đồng/tháng thì chúng tôi sống làm sao?”. Đúng là không biết sống làm sao giữa thủ đô với giá sinh hoạt đắt đỏ, mà cứ ra ngõ là phải tiêu tiền như thế. Khi VĐV thể thao phải tự so mức lương của mình với mức lương của người giúp việc, thì đủ biết họ phải tủi thân như thế nào. Nếu Hà Nội không đủ tiền trả lương cho VĐV thể thao, thì tốt nhất nên rút gọn số lượng VĐV cũng như số môn thi đấu lại, chứ nếu cứ tải ra mà khả năng đầu tư không có hoặc có quá thấp thì hiệu quả thật khó để cao được.
Thể thao là lĩnh vực mà sự đầu tư tiền bạc nhiều khi tới mức như xa xỉ, vì có như thế thì mới mong đạt tới thành tích cao. Cả thế giới bây giờ đều như vậy, và đừng nghĩ đội bóng Leicester vừa vô địch giải Ngoại hạng Anh là “đội bóng nghèo”. Họ nghèo khi so sánh với những đội bóng giàu, chứ họ không bao giờ nợ lương và hẹp thưởng khi đội bóng mình chơi hay như thế, đạt thành tích xuất sắc như thế. Khi mà tiền thưởng cho thành tích tại SEA Games 28 của 97 VĐV Hà Nội không bằng 3 VĐV Thái Bình (400 triệu đồng so với 405 triệu đồng), còn TP.HCM thì thưởng cho 1 HCV 45 triệu đồng, gấp gần 8 lần Hà Nội (6 triệu đồng). Như thế, không chỉ là “quá hẻo”, mà thực sự là không coi trọng thành tích của VĐV, không khuyến khích động viên được sự hết mình cho môn thể thao mà họ theo đuổi. Những con số tiền lương, cũng như tiền thưởng của VĐV Hà Nội, nói ra thì chả ai dám tin, vì không ai nghĩ nó lại ở mức như thế. Có nhiều người nói với tôi, họ không tin Hà Nội lại không có tiền trả lương đúng hạn cho VĐV.
Và họ đặt câu hỏi: “Liệu có chuyện “ém lương” để chiếm dụng không?”. Đã từng có những doanh nghiệp nợ lương công nhân theo kiểu “ém” như thế, thực chất là chiếm dụng. Có lẽ, Sở VH-TT Hà Nội nên xem lại toàn bộ chuyện lương và thưởng này nếu muốn Hà Nội tiếp tục là một trung tâm thể thao của cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.