Dễ bị lừa như vậy sao ?

15/11/2016 06:15 GMT+7

Lừa đảo qua mạng xã hội có nhiều dạng, phổ biến nhất vẫn là lừa tình để rồi lừa tiền. Chuyện này chẳng có gì mới, báo chí đăng đầy ra đó, vậy mà vẫn có vô số người “dính bẫy”.

Mới nhất là vụ hàng chục phụ nữ VN bị sập bẫy “triệu phú đô la” mà Báo Thanh Niên ngày 14.11 vừa đăng, cũng bằng một mánh lừa cũ rích.
Mánh lừa này bắt đầu từ câu chuyện có một triệu phú đô la ở Mỹ muốn đầu tư vào VN và cũng có ý định kết hôn với “người trong mộng” để việc làm ăn được thuận lợi. Để làm tin, gã “triệu phú đô la”, thông qua những đồng bọn người Việt trong nhóm lừa đảo, tặng vài món quà “giao lưu” cho người phụ nữ “thầm yêu, trộm nhớ”. Đến ngày sinh nhật của nàng, gã “triệu phú” nọ tiếp tục tặng những món quà “nặng ký” hơn, trị giá hàng tỉ đồng qua đường hàng không. Câu chuyện tiếp theo trở nên “đáng tin cậy” khi có người tự xưng là nhân viên sân bay quốc tế của VN gọi điện thông báo cho “người phụ nữ đang yêu” là phải chuyển một số tiền đáng kể, lên đến hàng trăm triệu đồng, vào một tài khoản lạ ở nước ngoài để nhận thùng hàng tiền tỉ do gã “triệu phú” gửi sang. Sau khi người phụ nữ nhẹ dạ, cả tin chuyển “tiền đóng phạt” cho kiện hàng xong, chiếc bẫy sập xuống ngay lập tức, “người trong mộng” biến khỏi thế giới ảo, gọi điện thì ngoài vùng phủ sóng.
Câu chuyện lừa đảo y chang như vừa kể, chỉ tính riêng Báo Thanh Niên thôi, đã cảnh giác cho bà con rất nhiều lần trong thời gian qua, vậy mà đến nay vẫn còn người dính bẫy. Nếu tỉnh táo và chịu tìm hiểu cớ sự, bà con sẽ không khó để phát hiện ra chân tướng của những kẻ lừa tình, lừa tiền qua mạng. Những nhà đầu tư nước ngoài muốn làm ăn chân chính ở VN đều chuyển tiền qua ngân hàng, chứ không ai dại gì bỏ cả triệu đô la vào thùng để gửi theo đường hàng không cả vì sẽ bị hải quan phát hiện, chắc chắn gặp rắc rối to, thậm chí bị tịch thu.
Tiền “ảo” là như vậy, chuyện “tình ảo” cũng có mối tương đồng. Khi đã lừa, thì tình và tiền đều ảo như nhau. Những việc hệ trọng như kết hôn với người nước ngoài thì theo lẽ thường tình, cả hai ít nhất phải làm một thủ tục bắt buộc là chạm mặt nhau giữa đời thường (giống như tục “coi mắt”) nhằm tìm hiểu “một nửa kia” kỹ lưỡng hơn, trước khi quyết định. Đôi khi mặt giáp mặt còn chưa chắc ăn, huống hồ gì chỉ thấy nhau qua mạng?
Có một thực tế đang diễn ra trong đời sống xã hội của chúng ta là một số phụ nữ muốn ra nước ngoài sinh sống với mong muốn đổi đời. Nắm được tâm lý này, bọn lừa đảo đã chiêu dụ những phụ nữ cả tin bằng nhiều cách, theo đó thuận tiện và hiệu quả nhất là thông qua mạng xã hội, đóng giả “triệu phú” hoặc “doanh nhân thành đạt”...
Trở lại câu chuyện tiền nong. Nếu nói những phụ nữ bị “triệu phú đô la” Mỹ nọ lừa cả tình lẫn tiền là do nhẹ dạ, ắt phải xem lại bản chất của sự việc đồng thời cũng là bản chất của sự hám lợi. Phải chi những phụ nữ đáng thương và đáng trách ấy chịu khó bỏ chút thời gian đọc những thông tin về “lừa tình qua mạng”, “lừa tiền qua Facebook”... trên báo và nghe tư vấn từ người thân, bạn bè thì có lẽ đã không phải ôm hận.
Không phải phụ nữ nào ở VN cũng dễ bị lừa theo kiểu này. Do đó, nếu một ngày nọ trên tài khoản Facebook của mình xuất hiện một gã “triệu phú đô la”, ông hoàng Ả Rập hoặc đại tá Mỹ về hưu giàu sụ nhưng cô đơn... thấy khả nghi, các chị cứ mạnh dạn trả lời: “Quên đi, mánh này xưa rồi Diễm!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.