Đừng để người già bắt cướp

07/09/2016 06:18 GMT+7

Cụm từ 'của đi thay người' mang hàm ý tâm linh rằng, tài sản mất đi nhưng bù lại, tính mạng của chúng ta được bảo toàn. Đứng ở khía cạnh khác, câu nói ấy cũng nhằm an ủi cho những ai vừa mất của.

Thế nhưng theo phản xạ tự nhiên, khi bị cướp giật tài sản trên đường phố, bà N.T.M.T (62 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) liền phóng xe đuổi theo kẻ cướp. Chẳng may xe máy của bà tông phải trụ điện ven đường khiến bà tử vong.
Tương tự, một cô gái trẻ nọ đi xe máy chở theo người mẹ trên một con đường ở TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Bất thình lình, cô gái bị một tên cướp chạy xe máy kè theo giật phăng sợi dây chuyền rồi rồ ga bỏ chạy. Cũng theo phản xạ tự nhiên, cô gái đuổi theo với tốc độ nhanh nhưng chẳng may bị lạc tay lái, chiếc xe cũng đâm vào trụ điện khiến cô tử vong, bà mẹ bị thương. Hai cái chết thương tâm.
Cũng có trường hợp kẻ cướp bị nạn nhân (một phụ nữ) đuổi kịp, đạp chúng té ngã xuống đường, bắt gọn. Tuy nhiên, những trường hợp như thế rất hiếm xảy ra, tên cướp nào “xui” lắm mới gặp phải “cao thủ”, còn đại đa số đều tẩu thoát trót lọt.
Sống trong một môi trường sinh hoạt đầy rẫy bọn cướp giật như hiện nay, có một bài học đã được nhiều người rút ra, kể cả du khách nước ngoài, là đừng bao giờ lơ là với tài sản cá nhân mang theo người, ví dụ như đeo nữ trang, túi xách… một cách hớ hênh. Bọn cướp không cần biết trong túi xách ấy có gì đáng giá hay không, giật trước tính sau. Bài học thứ hai nên nhớ là bọn cướp thường có “kỹ năng” lái xe máy tốc độ cao đến mức điêu luyện mỗi khi tính chuyện tẩu thoát, hoặc có đồng bọn cùng phối hợp cản đường. Những nạn nhân, nhất là giới nữ, đa số chạy xe máy yếu, không đủ khả năng rượt theo kịp kẻ cướp.
Mà rượt đuổi trong bối cảnh giao thông hỗn loạn như hiện nay lại càng nguy hiểm đến tính mạng. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta làm lơ khi thấy cảnh cướp giật vì đã có nhiều trường hợp quần chúng cùng chung tay bắt được kẻ cướp, nhưng tỷ lệ còn thấp. Tại sao? Câu trả lời nằm ở chỗ bọn cướp giật ở xứ ta hiện nay đều mang theo hung khí, sẵn sàng liều mạng chống trả những ai đuổi theo. Trong bối cảnh đó, tâm lý của người đi đường thường không dám can dự vào, tránh thiệt thân. Phải thừa nhận đó là một dạng tâm lý hiện hữu và không thể trách họ được.
Nói đến trách nhiệm bắt kẻ tội phạm, thì việc khôi phục và đi vào hoạt động hiệu quả các đội săn bắt cướp trong tình cảnh như hiện nay cần được các cơ quan chức năng xem xét một cách nghiêm túc. Nhưng bên cạnh yếu tố con người cụ thể, vấn đề kỹ thuật cũng rất lợi hại. Theo đó, camera an ninh của khu phố, công sở, cửa hàng... và cả camera hành trình trên ô tô đều mang yếu tố không thể xem thường khi ghi hình được cảnh cướp giật ấy. Vấn đề là thái độ của cơ quan chức năng khi tiếp nhận các nguồn thông tin và xử lý chúng như thế nào mà thôi. Trên thế giới, người ta đã nhanh chóng truy lùng và bắt được các tên khủng bố cũng từ nguồn tin do người dân cung cấp mang yếu tố kỹ thuật như vừa nói.
Chuyện cướp giật “thời sự” đến mức Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa yêu cầu Công an TP cùng các ban ngành liên quan tăng cường lực lượng nhằm đảm bảo an ninh - trật tự, tránh xảy ra tình trạng cướp giật tài sản nhân dịp Hội chợ du lịch quốc tế TP lần thứ 12 sẽ diễn ra sáng 8.9 tại Q.7. Rõ ràng chúng ta đang sống trong một môi trường bất an. Cách tốt nhất là tự bảo vệ mình, thận trọng trong việc đi đứng, bảo vệ tài sản của chính mình và hãy luôn nhớ tính mạng của con người mới là tài sản quý giá nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.