Được gì từ Uber?

30/01/2016 05:05 GMT+7

Không nộp một đồng thuế nào kể từ khi gia nhập thị trường VN; chơi bài 'im lặng' trước những động thái quyết liệt của cơ quan thuế... Đã đến lúc chúng ta phải đặt câu hỏi, VN được gì từ Uber?

Không nộp một đồng thuế nào kể từ khi gia nhập thị trường VN; chơi bài 'im lặng' trước những động thái quyết liệt của cơ quan thuế... Đã đến lúc chúng ta phải đặt câu hỏi, VN được gì từ Uber?

Nếu coi Uber là một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì có thể nói công ty này hầu như không đóng góp gì cho VN, thậm chí chỉ "mang đi" mà thôi.
Chúng ta đều biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài quan trọng nhất là mang vốn, chuyển giao công nghệ, tạo công ăn việc làm cho xã hội... những điều này hầu như không có với Uber.
Vốn họ mang vào rất ít vì không phải công ty sản xuất, không xây dựng nhà xưởng mà chỉ thuê một văn phòng đại diện cho hơn chục người ngồi làm việc. Họ cũng không phải là đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối như vẫn nói, bởi nếu thực sự "cung cấp" thì tài xế có thể mua - thuê công nghệ đó rồi sử dụng thế nào tùy ý.
Nhưng hiện nay, tài xế Uber phải chạy theo quy định và giá mà Uber đưa ra. Còn công ăn việc làm, dù có gia tăng thu nhập cho những người sử dụng xe nhưng không phải là tạo thêm mới mà là cạnh tranh suất việc với các tài xế taxi truyền thống, kiểu "người này ấm thì người kia lạnh" mà thôi.
Đặc biệt, nghĩa vụ thuế mà bất cứ doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài nào cũng đều phải thực hiện thì Uber lại cố tình né tránh.
Theo lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM, từ cuối tháng 11.2015 Cục đã có văn bản gửi Công ty Uber Hà Lan yêu cầu đến làm việc và thực hiện kê khai, nộp thuế với VN, nhưng đã hơn 2 tháng trôi qua, công ty này vẫn im lặng. Cục mời Uber tại TP.HCM đến làm việc nhưng đơn vị này nói rằng không liên quan đến điều hành taxi, không liên quan đến Uber Hà Lan... Nói chung, họ tìm để mọi cách để né tránh và đến giờ Uber vẫn ngang nhiên hoạt động tại VN mà không đóng một đồng thuế nào.
Đáng nói, dù không đóng góp gì nhưng phần Uber mang đi khỏi VN thì rất lớn. Trong phần tiền mà mỗi tài xế Uber kiếm được, công ty sẽ giữ lại 20% chuyển về trụ sở tại Hà Lan. Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện có khoảng 4.000 taxi Uber hoạt động tại TP.HCM và mỗi ngày Uber đều chuyển khoảng 1 tỉ đồng lợi nhuận về công ty quản lý ở nước ngoài.
Có thể thấy, dù bị các hãng taxi truyền thống phản đối quyết liệt nhưng Uber từ khi vào cho đến quá trình hoạt động ở VN vẫn rất thuận lợi do được sự ủng hộ của người tiêu dùng vì giá mềm. Nhưng với cách tính tăng giá gấp đôi vào giờ cao điểm, nhiều trường hợp tính cước lung tung, ngay cả "cái được" có thể nói là duy nhất này của Uber cũng đang mất dần. Không ít khách hàng sau một thời gian bị tính nhầm giá cước, gọi xe khó khăn đã từ bỏ Uber.
Ngành thuế vẫn thể hiện quyết tâm thu thuế với Uber bằng mọi giá. Với một doanh nghiệp tìm mọi cách để trốn tránh nghĩa vụ thuế như Uber, mỗi chúng ta cũng nên giúp cơ quan thuế một tay bằng cách tẩy chay hãng này. Bởi trước Uber cũng có rất nhiều nghi án chuyển giá, trốn thuế của các "đại gia" nước ngoài tại VN. Nếu không có giải pháp mạnh, không sử dụng quyền lực của người tiêu dùng, nhà nước mất tiền còn các doanh nghiệp nội địa thì bị cạnh tranh thiếu lành mạnh ngay tại chính sân nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.