Gánh nặng phí, lệ phí

22/09/2015 05:49 GMT+7

Việc đóng góp phí, lệ phí là một việc rất bình thường bởi người dân phải có trách nhiệm đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua việc sử dụng các dịch vụ hoặc một số công việc liên quan đến quản lý nhà nước.

Việc đóng góp phí, lệ phí là một việc rất bình thường bởi người dân phải có trách nhiệm đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua việc sử dụng các dịch vụ hoặc một số công việc liên quan đến quản lý nhà nước. 

Tuy nhiên, chuyện dân một phường ở TP.HCM phải nộp tới 15 loại quỹ từ trên trời rơi xuống (Thanh Niên ngày 21.9) là điều khó chấp nhận ở một đất nước có luật pháp. 
Trong một khảo sát được công bố năm 2013 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho thấy, ngoài các khoản phí, lệ phí phải nộp theo quy định của nhà nước khi giải quyết các việc hành chính, mỗi hộ dân VN còn phải đóng góp ít nhất là 5 đến nhiều nhất là 20 loại phí, lệ phí với số tiền nộp thấp nhất là 146.000 đồng đến cao nhất là 1,8 triệu đồng/hộ/năm.
Còn báo cáo “Tổng quan môi trường thuế VN 2014″ của Công ty Vietnam Report công bố cho biết mức thu thuế, phí của VN (21,4% thu nhập) vẫn cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực (Thái Lan 16,1%, Philippines 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaysia 14,3%).
Sự lẫn lộn giữa các khái niệm thuế, phí, lệ phí, cộng với sự thiếu kiểm soát của quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thu nộp thuế, phí khiến cho gánh nặng thuế phí của người dân càng gia tăng. Những tranh cãi tại QH khi thảo luận dự luật Phí, lệ phí nhằm thay thế pháp lệnh hiện nay cho thấy rất nhiều bất cập, sự thiếu nhất quán trong chính sách thuế, phí.
Hiện có quá nhiều khoản phí, lệ phí vô lý đang được duy trì, nó không chỉ là gánh nặng đối với người dân, mà còn hoàn toàn không đúng về nguyên tắc quản lý nhà nước. Chẳng hạn như lệ phí đăng ký khai sinh; bản sao giấy khai sinh; đăng ký kết hôn; đăng ký khai tử; chứng thực hồ sơ đi học; chứng thực hồ sơ đi làm; đăng ký hộ khẩu thường trú; xác nhận hộ khẩu; cắt chuyển khẩu; cấp đổi sổ hộ khẩu vì thay đổi địa giới hành chính; xác nhận hộ tịch; cấp giấy CMND; đăng ký tạm trú, tạm vắng… Mức thu phí mỗi lần thực hiện chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn, nhưng về nguyên tắc đây đều là những công việc liên quan đến mọi công dân, thuộc lĩnh vực dịch vụ công mà các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm lo cho dân, không nên coi là một loại phí người dân phải đóng góp.
Chính sách huy động người dân tham gia đóng góp cùng nhà nước trong một số hoạt động dịch vụ công cũng là vấn đề phải bàn, vì tính minh bạch của chính sách này không cao. Chẳng hạn, hằng năm kinh phí dành cho giáo dục vẫn tăng song hiệu quả như thế nào, người dân đóng góp như thế nào thì rất nhập nhằng. Thành ra mới có chuyện, tuyên bố phổ cập giáo dục tiểu học, nói là học sinh được miễn học phí, nhưng thực tế tiền thực nộp của cha mẹ học sinh hiện nay cao gấp nhiều lần tiền học phí được miễn đó.
Do quy định nhập nhằng, không rõ ràng nên dân thì kêu vì gánh quá nhiều các khoản phí, lệ phí, còn nhà nước vẫn cảm thấy ngân sách không đủ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.