Giám sát việc bồi thường

08/08/2017 07:19 GMT+7

Có đến 2 tập thể và 11 đảng viên, trong đó có tập thể Ban Thường vụ Quận ủy Tân Phú, nguyên Bí thư và nguyên Chủ tịch UBND quận này vừa bị Thành ủy TP.HCM xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo vì có liên quan đến vụ việc Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Tân Phú chiếm dụng số tiền hơn 54 tỉ đồng là kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn bằng thủ đoạn lập khống hồ sơ để chi bồi thường.

Những sai phạm trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cũng từng xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, cũng từng có nhiều cán bộ bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước hết phải thấy nguyên nhân đầu tiên là các quy định về công tác cán bộ trong những trường hợp này, điển hình là vụ việc ở Q.Tân Phú (TP.HCM), dường như chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó dẫn đến khâu quản lý, đánh giá, nhận xét cán bộ không đúng thực chất khi bổ nhiệm, phân công công tác. Đáng nói hơn, khi đã bổ nhiệm thì lại thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát về công tác quản lý các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý tài chính nên để xảy ra sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đánh giá chung của các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân khiến khiếu kiện về đất đai, chiếm 70% đơn thư khiếu nại, trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay là do những vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, mà có không ít vướng mắc xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của cán bộ phụ trách.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bình thường vốn đã rất phức tạp, nhưng việc mập mờ trong quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện; sự yếu kém trong am hiểu pháp luật, cũng có thể xuất phát từ ý chí chủ quan, cố tình làm sai lệch pháp luật để hưởng lợi riêng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, người có quyền trong việc tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng..., đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
Đền bù, giải phóng mặt bằng gắn liền với người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch. Nếu như cán bộ được giao trọng trách chỉ biết tư lợi, thì khó có thể đảm bảo được rằng dự án, công trình không bị dây dưa, kéo dài, và quan trọng hơn nữa là quyền lợi chính đáng của người dân được tính đúng, tính đủ.
Ngày nay, với tiến bộ của công nghệ thông tin, chỉ cần mọi thông tin về đền bù, giải tỏa, quy hoạch đều được công khai trên một trang web, dữ liệu về vị trí, diện tích... được đồ họa, số hóa... thì việc giám sát của cộng đồng, ngăn ngừa tiêu cực hoàn toàn dễ dàng, thuận tiện.
Không chỉ giám sát cán bộ bằng hệ thống quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể… mà còn cả bằng sức mạnh của cộng đồng thông qua sự minh bạch thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.