Họ 'cao tay' hay ta chậm trễ?

07/05/2016 07:31 GMT+7

Hơn chục năm trước, chiếc quần jeans Thái, mỹ phẩm để trang điểm "tóc nâu, môi trầm" của Hàn Quốc, các loại thực phẩm chế biến từ trà xanh của Nhật... là nỗi khát khao của rất nhiều người trẻ bởi những thứ này hầu như chỉ thấy trên phim ảnh.

Giờ ở các đô thị lớn trên cả nước, chỉ bước chân ra ngõ người ta có thể mua được từ lọ tăm cho đến những chiếc xe hơi đời mới của Nhật, Thái, Hàn...
Nhưng không chỉ dễ mua, hàng hóa tiêu dùng của các nước này còn trở nên quen thuộc, thân thiết và được ưa chuộng ngay bên cạnh những mặt hàng Việt đồng dạng. Đặc biệt là hàng Thái.
Nhiều người cho rằng, đó là do người Thái "cao tay" trong chiến lược thâm nhập thị trường nội địa. Từ việc "cài cắm" các doanh nghiệp sản xuất ở VN cho đến tổ chức thường xuyên các hội chợ, triển lãm lớn - nhỏ tại VN để thăm dò thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng nội địa. Khi đã chính thức có chỗ đứng vững chãi, các "đại gia" Thái nhanh chóng thiết lập hệ thống phân phối lớn mạnh tại thị trường VN.
Trung tâm mua sắm có Robinson; siêu thị thì mua lại hệ thống Big C và Metro; cửa hàng tiện lợi có B's mart... tạo thành mạng lưới chân rết trải dài khắp cả nước. Người ta ví hệ thống phân phối là huyết mạch của nền kinh tế, hàng hóa sẽ theo đó chảy khắp ngõ ngách để tới tay người tiêu dùng.
Vì thế, chỉ nay mai thôi chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến một cuộc đổi xuất xứ hàng hóa trên quầy kệ của các siêu thị mà người Thái đã mua lại.
Mà không chỉ Thái, các đại gia bán lẻ hàng đầu thế giới cũng đã hiện diện và đang bành trướng quy mô tại VN như Lotte của Hàn Quốc; Aeon của Nhật, Circle K của Mỹ, Shop&Go của Singapore...
Theo tính toán, hơn 50% thị phần bán lẻ hiện tại đã nằm trong tay doanh nghiệp ngoại. Tương ứng với đó là sự hiện diện ngày một nhiều của hàng hóa ngoại và sự chật vật của hàng nội ngay tại chính sân nhà.
Nhưng vì đâu nên nỗi này? Người Thái “cao tay” hay chúng ta quá kém cỏi trong việc giữ sân nhà? Nói thẳng ra thì về bán lẻ, người Thái không thực sự mạnh bằng Hàn, Nhật và nhiều công ty đa quốc gia khác. Nhưng so với chúng ta, họ vẫn quá bài bản và chuyên nghiệp. So với sự chậm trễ của ta, họ vẫn quá nhanh chân.
Năm 2009, chúng ta mở cửa thị trường bán lẻ theo điều kiện của Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ đã được thỏa thuận từ năm 1999. Nghĩa là, chúng ta đã có lộ trình 10 năm mới cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực phân phối. Nhưng chừng đó thời gian vẫn không giúp chúng ta giữ được vị trí "át chủ bài" trên sân nhà.
Hai nguyên nhân quan trọng dẫn tới hệ quả này. Đầu tiên là về phía nhà nước, nhìn lại suốt từ khi chúng ta mở cửa đến nay, hầu như không có cơ chế, chính sách đặc thù hay đột phá nào dành cho xây dựng và phát triển hệ thống phân phối nội địa.
Về phía doanh nghiệp, đa phần không ý thức hết tầm quan trọng của thị trường bán lẻ nên lơ là, chậm trễ trong việc mở rộng quy mô. Nên dù thời gian chuẩn bị không ngắn, chúng ta không tạo ra được các thương hiệu phân phối đủ mạnh để làm đối trọng với các đại gia nước ngoài. Và chỉ sau 7 năm kể từ khi được phép thành lập doanh nghiệp phân phối 100% vốn ngoại, hơn 50% thị phần đã rơi vào tay nước ngoài. Không quá lời khi nói, chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất thị trường bán lẻ.
Trong cạnh tranh, ai nắm được hệ thống phân phối thì nắm được thị trường. Nguy cơ hàng Việt bị hất cẳng tại chính sân nhà đang trở thành hiện thực khi cánh cửa thị trường ngày càng mở rộng theo các hiệp định đa phương, song phương mà chúng ta đã cam kết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.