Không chỉ truy thu...

23/04/2015 05:40 GMT+7

Bắt đầu từ việc thanh tra chuyển giá, trốn thuế và truy thu Công ty METRO VN 507 tỉ đồng, người dân đang chờ đợi cơ quan thuế làm rõ các nghi án chuyển giá của nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia hoạt động tại nội địa đã được đặt ra hàng chục năm trước nhưng chưa có lời giải.

Bắt đầu từ việc thanh tra chuyển giá, trốn thuế và truy thu Công ty METRO VN 507 tỉ đồng, người dân đang chờ đợi cơ quan thuế làm rõ các nghi án chuyển giá của nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia hoạt động tại nội địa đã được đặt ra hàng chục năm trước nhưng chưa có lời giải.

Cũng như METRO, rất nhiều "đại gia" cũng liên tục mở rộng quy mô, xây dựng nhà xưởng, tăng vốn, tăng thị phần, thậm chí thống lĩnh thị trường nhưng sau 10 năm, thậm chí 20 năm hoạt động tại VN vẫn kêu lỗ và không đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) nào cho ngân sách. Nếu METRO 13 năm hoạt động tại VN có tới 12 năm báo lỗ thì Nestlé có tới 14 năm lỗ; Coca-Cola, Adidas, Pepsi... đều báo lỗ hàng chục năm.
Nhận xét về việc này, một chuyên gia kinh tế đã không khỏi bức xúc khi đặt câu hỏi, lỗ nhiều như vậy, họ đầu tư và ở lại VN làm gì? Theo vị này, chỉ cần lỗ 5 năm liên tục mà vẫn mở rộng, vẫn tăng vốn là phải đặt vấn đề, phải thanh - kiểm tra và làm rõ rồi chứ không để các nghi án tồn tại lâu đến như vậy.
Đó là chưa kể khi các đại gia này đầu tư vào VN, chúng ta đã dành cho họ rất nhiều ưu đãi về thuế, về giá thuê đất... Cộng với kinh nghiệm, vốn liếng áp đảo nên ở nhiều lĩnh vực, DN ngoại đè bẹp DN nội. Đến mức sau nhiều năm thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút vốn ngoại, rất nhiều chuyên gia kinh tế phải lên tiếng về sự thiệt thòi của các DN nội trong cuộc cạnh tranh tại chính sân nhà. Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Hãy nhìn trên thị trường hiện nay sẽ thấy, ở rất nhiều địa bàn, sự bành trướng của các thương hiệu ngoại đồng nghĩa với sự biến mất của nhiều sản phẩm nội. Từ thực phẩm, nước giải khát, giày dép...; từ sản xuất tới dịch vụ... thì DN nội ngày càng teo tóp. Đặc biệt, kỳ vọng vể chuyển giao công nghệ từ khối DN này có thể nói là hết sức đáng thất vọng vì các DN FDI ít sử dụng công nghệ nguồn, chưa kể trên 80% DN FDI 100% vốn nước ngoài nên không chuyển giao công nghệ cho phía VN...
Trong danh sách nghi án chuyển giá trốn thuế, có tên hầu hết các tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới đang hoạt động tại VN. Chỉ riêng năm 2013, khối DN FDI khai báo lỗ tới hơn 68.000 tỉ đồng, là khối có mức lỗ lớn nhất trong cộng đồng DN trong khi tỷ trọng của khối này trong xuất khẩu, trong nhiều lĩnh vực ngành nghề là áp đảo. Nói thế để thấy, nếu chúng ta không mạnh tay, ngân sách đã, đang và sẽ tiếp tục thất thoát một nguồn thu khổng lồ.
Vì vậy, không chỉ là truy thu thuế mà phải xử phạt thật nặng hành vi chuyển giá, trốn thuế của DN này để làm gương cho các DN khác. Chúng ta đều biết, DN trong nước chưa nói đến trốn thuế, chỉ cần nợ thuế, chậm thuế cũng truy thu và bị xử phạt, chưa kể gặp rất nhiều phiền hà trong hoạt động. Mấy năm trước, thậm chí chúng ta còn nêu tên từng đơn vị chậm thuế, nợ thuế, chây ì thuế. Vậy thì không có lý do gì, DN nước ngoài lách luật, trốn thuế lại chỉ bị truy thu, hoặc các "ông lớn" dính nghi án chuyển giá, trốn thuế lại cứ để "án treo" rồi vẫn hoạt động kinh doanh, kiếm lời và chuyển về nước như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.