Không giải trí bằng mọi giá

16/05/2017 07:01 GMT+7

Game show Siêu sao đoán chữ mới thu trước ở trường quay đã xảy ra sự cố. Lần này, vẫn là chuyện... nói nhảm, chuyện “nhảm khẩu hại xác phàm”.

 NSƯT Trung Dân được mời tham gia game show này đã tự nhiên mang... “vạ miệng” từ ca sĩ trẻ mới nổi Hương Giang Idol.
Trong game show trên, một câu nói - đúng hơn là một đáp án do Hương Giang Idol đưa ra - hết sức phản cảm. Ngay cả khi nói bâng quơ giữa trời cũng đã phản cảm, huống hồ là trực tiếp động tới NSƯT Trung Dân - một nghệ sĩ lớn tuổi và có tiếng, một người diễn hài nhưng rất mực đàng hoàng. Một lời nói... bậy, dù mới ở bản thu nháp, cũng khiến “tứ mã nan truy”. Hương Giang Idol đã khóc xin lỗi nghệ sĩ Trung Dân, nhưng Trung Dân đã tỏ ra vô cùng ngao ngán: “Ai biểu mình đút đầu vô cái chỗ không phù hợp với mình thì mình chịu, tôi không trách ai. Chỉ tự trách mình, có bao nhiêu tiền đâu mà phải mang tiếng mang tai như vầy”.
Tôi không rõ khi nghe “đáp án” này thì nhà sản xuất có thái độ thế nào, hay cũng coi là “chuyện nhỏ như con thỏ”, nói vài lời qua loa cho xong. Có thể NSƯT Trung Dân là người lớn, là người điềm đạm và lành hiền, nên sẽ bỏ qua. Nhưng khán giả liệu có bỏ qua? Và lương tâm của những người làm nghệ thuật, dù là nghệ thuật giải trí, liệu có bỏ qua?
Những chuyện “lỡ lời” như thế trên các game show hiện nay không hề hiếm. Nó phản ánh không chỉ trình độ văn hóa thấp của những người phát ngôn, mà còn phản ánh chính trình độ của những người làm chương trình. Đừng bao giờ chỉ vì tiền mà dễ dãi với những điều phản cảm xảy ra trên sân khấu, trên sàn diễn, vì nó tác động rất xấu tới người xem, nhất là những khán giả trẻ. Tuy nhiên, cũng có điều đáng mừng là chính người xem, đa số là người trẻ, đã phản ứng rất tức thời về sự cố phản văn hóa trên. Họ cần giải trí sau một ngày làm việc mệt nhọc nhưng điều đó không đồng nghĩa với “giải trí bằng bất cứ giá nào”, kể cả những “giá” phản văn hóa hay đi ngược với đạo đức cộng đồng.
Phản ứng của nghệ sĩ Trung Dân là rất có văn hóa, dù ông rất choáng sau sự cố. Tôi nghĩ, với những sự cố kiểu này, thì không những trách nhiệm của những người gây ra sự cố là lớn, mà trách nhiệm của nhà sản xuất cũng không hề nhỏ. Việc nhà sản xuất nói “chúng tôi không có lựa chọn” khi cắt ai giữ ai trong chương trình sau sự cố kiểu này là một cách nói cho xong chuyện. Cách trả lời như thế báo trước là những chuyện phản văn hóa vẫn có thể tiếp tục xảy ra nếu không ngăn chặn.
Tuy nhiên, nếu nhà sản xuất không ngăn chặn thì khán giả vẫn có cách ngăn chặn là tẩy chay những chương trình giải trí phản văn hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.