Làng nước đi trước...

Cuối cùng thì người dân phải tự ra tay để cứu lấy mình trước khi ... chính quyền cứu.

Người dân ở Hải Dương, ở Bến Tre, ở Hải Phòng, ở Hà Tĩnh tự góp tiền, góp sức, góp sáng kiến... phối hợp với chính quyền địa phương để hành động hiệu quả trước tình hình khai thác cát dọc các con sông ngày càng phức tạp. Mà chắc người dân ở tất cả tỉnh thành có sông ngòi trên cả nước rồi cũng phải thế: tự bỏ tiền bỏ sức, mua thuyền, lập chốt tuần tra chống cát tặc. Cái phương châm “xã hội hóa” lại một lần nữa được nhắc đến.
Chúng ta sẽ nói về chuyện người dân tự hành động cứu lấy mình trong cuộc chiến với cát tặc này là gì? Là một minh chứng hùng hồn cho chủ trương xã hội hóa? Là một điển hình hiệu quả cho mô hình nhà nước - nhân dân cùng làm? Là những tấm gương tích cực về sự đồng tham gia của cộng đồng?
Nhưng dù có xem là chuyện gì đi chăng nữa thì cũng không thể tránh được câu hỏi chất vấn về trách nhiệm của chính quyền trong cuộc chiến cát tặc. Và nhiều cuộc chiến tương tự. Là tại sao chính quyền lại xuất phát sau người dân trong cuộc chiến này?
Là vì nỗi sợ tương tự như vụ Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị bọn cát tặc nhắn tin đe dọa? Hay là vì có thật chuyện cát tặc được ai đó bảo kê? Hay là vì, bộ máy chính quyền phản ứng chậm chạp, mỗi lần hành động thì họp lên họp xuống, nghị quyết này chỉ thị nọ trong khi bọn cát tặc không thiếu các chiêu thức đối phó ma mãnh.
Những ngày báo chí liên tục đưa tin nạn khai thác cát trái phép tràn lan, có một câu hỏi đau đáu đã từng được bật ra trong đầu công chúng. Rằng ai sẽ là người bắt cát tặc? May quá, giờ thì câu trả lời dường như đã có, dù là có theo một cách không thể ngạc nhiên hơn. Rằng người bắt cát tặc chính là nhân dân. Là nhân dân không vũ khí, không quân đội, không công an, không thuyền tuần tra, không xe chuyên dụng. Còn bộ máy chính quyền địa phương với đầy đủ thẩm quyền, với đầy đủ văn bản pháp quy, với không ít các điều kiện hành động trấn áp, lạ thay, lại là bên chờ đợi để phối hợp với người dân. Là lực lượng chính quy của chính quyền chờ đợi để được phối hợp với lực lượng tự vệ, tự quản của người dân.
Lời dặn đầy tâm huyết “cán bộ đi trước, làng nước đi sau” của Bác đã lạc mất ở đâu rồi trong tâm trí của các cán bộ chính quyền?
Chúng ta không nên đánh giá sai sự hợp sức của người dân trong những cuộc chiến xã hội khó khăn như cuộc chiến với cát tặc. Chính quyền luôn cần nhân dân tiếp sức, hậu thuẫn, đồng tâm đồng lòng, đóng góp nguồn lực cho công việc chung. Nhưng điều đó không cho phép chính quyền khoán trắng cho người dân tự run rủi, tự lo toan lấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.